06:08 20/06/2014

Phóng viên da đen đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng - Kỳ cuối

Quá trình vận động cho phóng viên da đen vào họp báo ở Nhà Trắng được tăng cường trong năm 1940, nhưng mãi đến cuối năm 1943, các chủ bút mới đồng loạt ủng hộ phóng viên McAlpin.

Quá trình vận động cho phóng viên da đen vào họp báo ở Nhà Trắng được tăng cường trong năm 1940, nhưng mãi đến cuối năm 1943, các chủ bút mới đồng loạt ủng hộ phóng viên McAlpin.


Ngày 26/1/1944, Bộ Tài chính đã trao cho Nhà Trắng kết quả điều tra lý lịch của McAlpin do Sở mật vụ thực hiện. Ngoài ba lỗi nhỏ về phạm luật giao thông, các điều tra viên cũng chỉ phát hiện thêm một sự kiện đáng lưu ý là McAlpin phát biểu tại một cuộc mít tinh ở nhà thờ giáo đoàn Lincoln ngày 16/10/1942 mà cảnh sát cho là khả nghi. Cuộc họp được tổ chức để lập chiến lược loại bỏ luật phân biệt chủng tộc ở khu vực Columbia và vùng phụ cận, đặc biệt là trong vấn đề thể thao, cụ thể là môn bóng chày.

 

Con trai của McAlpin bên cạnh bức ảnh chụp cùng cha thuở bé.


Đến ngày 4/2/1944, McAlpin được xác nhận đủ tiêu chuẩn vào Nhà Trắng. Tất cả những gì McAlpin cần là sự đồng ý của Tổng thống Roosevelt vì ông là người duy nhất có thể bác bỏ Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng. Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Roosevelt đã gặp mặt 13 chủ bút và nhà xuất bản da đen. Cuộc họp có tầm quan trọng lớn vì đây là nhóm chủ bút da đen đầu tiên trong lịch sử Mỹ được gặp tổng thống.


Sau khi các chủ bút đọc bản tuyên ngôn 21 điểm về đảm bảo quyền công dân hạng nhất của người da đen và trình bày rằng họ đang tìm cách đưa một phóng viên vào họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Roosevelt chốt lại: “Các anh sẽ có một đại diện vào Nhà Trắng”.


Vậy là sau hơn chục năm tranh cãi, vận động và phản kháng, cuối cùng một phóng viên người Mỹ gốc Phi cũng sẽ lần đầu tiên được tham dự cuộc họp báo của tổng thống dự kiến tổ chức ba ngày sau cuộc họp trên. Người làm nên lịch sử đó không ai khác chính là phóng viên Harry McAlpin. Tuy nhiên, anh nhanh chóng nhận ra rằng đồng nghiệp da trắng sẽ không chào đón anh chỉ vì anh được Tổng thống Roosevelt mời.


Trước cuộc họp báo một ngày, McAlpin được gọi đến văn phòng của ông Paul Wooton, chủ tịch Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng. Là một phóng viên theo dõi tình hình Washington suốt từ năm 1911 và hiện là phóng viên tờ The Times-Picayune ở New Orleans, ông Wooton là một “nhà vô địch” trong duy trì một hiệp hội toàn phóng viên da trắng.


Những gì ông Wooton nói hôm đó, McAlpin nhớ như in: “Harry, anh đã được Tổng thống Roosevelt cho phép làm một phóng viên đưa tin về Nhà Trắng và chúng tôi không thể làm gì để thay đổi điều đó. Nhưng tôi đề nghị anh đến gặp tôi vì tôi cho rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận nào đó về việc anh tham dự họp báo của tổng thống. Chúng tôi mong hợp tác với anh trong mọi cách có thể.


Giờ tôi đề xuất rằng khi anh đến họp báo vào ngày mai, anh hãy ngồi bên ngoài sảnh tiếp tân. Một người trong số chúng tôi sẽ rất vui mừng thông báo cho anh biết họp báo có gì ngay sau khi nó kết thúc. Và tất nhiên, nếu anh có bất kỳ câu hỏi nào muốn hỏi, nếu anh cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ hỏi hộ anh và ngay sau khi họp báo kết thúc, chúng tôi sẽ thông báo cho anh biết câu trả lời của tổng thống.


Lý do mà tôi đề xuất như vậy là vì lúc nào họp báo cũng đông đúc. Mọi người chen chúc trong hành lang ngoài văn phòng tổng thống và khi có thông báo được vào, họ xô đẩy dữ dội. Có thể anh sẽ giẫm lên chân ai đó trong lúc xô đẩy… và điều đó có thể gây ra ẩu đả ngay trong Nhà Trắng”.


Mặc dù bên trong McAlpin giận sôi lên nhưng bề ngoài anh vẫn tỏ ra đang lắng nghe với một vẻ điềm tĩnh. Sau đó McAlpin quả quyết nói: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có người châm ngòi một cuộc ẩu đả trong Nhà Trắng chỉ vì có ai đó vô tình giẫm lên chân anh ta. Nhưng nếu họ làm thế, đây sẽ là một trong những tin lớn nhất trong năm và tôi sẽ bị nguyền rủa nếu tôi bỏ lỡ nó. Cám ơn vì những đề xuất nhưng tôi sẽ chớp lấy cơ hội của tôi. Tôi sẽ tự đi lấy tin và sẽ tự đưa ra câu hỏi”.


Ngày hôm sau, McAlpin đường hoàng bước vào Nhà Trắng. Nhưng người ta vẫn coi khinh anh từ phòng chờ cho đến phòng họp. Trong số 60 đồng nghiệp trong phòng chờ, chỉ có hai người ngồi gần chỗ của McAlpin. McAlpin không chỉ trích họ, cho rằng đó là lẽ tự nhiên vì không ai biết anh cả và anh cũng chẳng quen ai.


Cuộc họp báo đầu tiên của McAlpin trong Nhà Trắng cũng bắt đầu. Theo lệ thường, chủ tịch Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng phải giới thiệu phóng viên mới với tổng thống, nhưng ông Wooton đã không giới thiệu McAlpin. Nhưng không phải vì thế mà Tổng thống Roosevelt không biết lần đầu tiên có phóng viên da đen trong phòng họp báo. Sau cuộc họp, Tổng thống Roosevelt đã dành cho anh một nụ cười ấm áp, chìa tay ra với McAlpin và nói: “Rất vui được gặp anh, McAlpin, và rất vui vì anh có mặt ở đây”. Câu nói đơn giản và sự chào đón ấm áp của Tổng thống Roosevelt đã khiến McAlpin hoàn toàn thoải mái.


Ý thức được tầm quan trọng khi một phóng viên da đen được họp báo trong Nhà Trắng nhưng McAlpin không muốn mình có gì khác biệt với những phóng viên còn lại trong phòng họp. Tuy nhiên, “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, Hiệp hội Phóng viên Nhà trắng không chấp nhận thất bại. Tổ chức này từ chối cấp thẻ thành viên cho McAlpin.


Mùa hè năm 1944, McAlpin lại làm nên một điều lịch sử nữa khi anh được lên chuyến tàu đặc biệt chở phóng viên từ Washington tới Chicago dự Đại hội quốc gia của đảng Dân chủ. McAlpin là người Mỹ da đen duy nhất trên chuyến tàu. Khuôn mặt của anh nổi bật giữa một biển người da trắng.


Sau tất cả những sự kiện trên, báo chí dành cho cộng đồng người da đen đã ca ngợi công lao của Tổng thống Roosevelt trong xóa bỏ rào cản chủng tộc. Khi ông qua đời năm 1945, cuộc chiến chủng tộc giữa các phóng viên lại bùng lên. Người ta tranh cãi xem phóng viên nào được vào phòng East Room để đưa tin về tang lễ. Do phòng này quá chật nên chỉ có 12 phóng viên được phép vào.


Mặc dù Nhà Trắng thông báo McAlpin có tên trong danh sách nhưng đột nhiên tên anh lại bị gạt ra ngoài. May thay, Nhà Trắng đã giải quyết vấn đề này bằng cách tăng số lượng nhà báo lên 13, nhờ đó McAlpin có một chỗ trong East Room.


Khi rời East Room, McAlpin là một trong số nhiều nhà báo được đồng nghiệp vây quanh để hỏi về các sự kiện trong tang lễ. McAlpin cảm thấy tự hào về điều này và về nghiệp báo mình theo đuổi.


Tuy nhiên, cuối năm 1945, McAlpin từ bỏ nghiệp viết lách. Ông dọn về Louisville và làm nghề luật sư. McAlpin rời Washington mà chưa bao giờ được mời tham gia Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng và chưa bao giờ được dự dạ tiệc thường niên của phóng viên Nhà Trắng. McAlpin mất năm 1985.


70 năm sau quyết định lịch sử của Tổng thống Roosevelt, trong dạ tiệc năm 2014 tại Nhà Trắng, McAlpin đã được các đồng nghiệp tưởng nhớ và tôn vinh. Con trai ông, Sherman McAlpin đã thay mặt cha nhận sự vinh danh này. Cũng trong dạ tiệc, Chủ tịch Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng Steve Thomma đã thông báo thành lập một học bổng mang tên McAlpin để ghi nhớ tên tuổi của ông.


Thùy Dương