10:07 09/10/2012

Phòng và điều trị thừa cân, béo phì cho trẻ nhỏ

Tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em, nhất là ở những thành phố lớn đang ngày một gia tăng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì trẻ thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường...

Tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ em, nhất là ở những thành phố lớn đang ngày một gia tăng. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vì trẻ thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường...


Béo mà không khỏe


Quan niệm “trẻ nhỏ phải bụ bẫm một chút mới đáng yêu” từ lâu ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều bậc cha mẹ. Vậy nên, phần lớn các gia đình chỉ lo lắng, vội vã đưa con đi khám dinh dưỡng khi con trẻ đã trở nên quá khổ và quá chậm chạp so với bạn bè cùng trang lứa.

 

Lo lắng về chiều cao “khiêm tốn”


Năm nay, con gái của chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Long Biên, Hà Nội) mới học lớp 5 nhưng đã nặng tới 41 kg, thừa khoảng 10 kg so với độ tuổi của cháu. Thấy Hiền có vẻ nặng nề, đặc biệt là thấp hơn nhiều so với bạn cùng lớp nên chị Hoa sợ con sau này sẽ bị thấp và dậy thì sớm. Bởi vậy, chị Hoa đã đưa con tới khám tại Trung tâm khám, tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng).


 

Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính.

Sau khi trao đổi với bác sĩ, chị Hoa mới vỡ lẽ sở dĩ con gái bị thừa cân cũng một phần do chị chưa có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con. Do bận rộn, nên chị Hoa thường chuẩn bị sẵn thức ăn cho con trong tủ lạnh. Không có người lớn giám sát nên khi thấy trong tủ lạnh có đầy đủ nào thức ăn, bánh, kẹo, thạch, kem, sữa tươi... con gái chị Hoa thoải mái ăn theo sở thích. Kết quả là chỉ sau có mấy tháng hè, bé Hiền đã lên 4 kg.


Kém bé Hiền nhà chị Hoa 3 tuổi, nhưng bé Nguyễn Thu Hồng cũng đã nặng tới 37 kg, so với tiêu chuẩn cháu thừa hơn 10 kg, vòng bụng tới 82 cm trong khi đó vòng mông mới 76 cm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, mẹ cháu Hồng cho biết: “Tôi cũng không theo dõi cân nặng của cháu thường xuyên nhưng trong vòng 2 năm nay cháu có vẻ bắt đầu tăng cân. Mỗi bữa, cháu ăn chỉ độ 2 lưng bát, tôi cũng hạn chế cho cháu ăn bánh kẹo... Sở dĩ hôm nay đưa đi khám vì thấy cháu béo hơn so với bạn bè cùng tuổi, tôi muốn xem chế độ ăn uống có vấn đề gì không...”.


Thực tế, không chỉ riêng chị Hoa, chị Lan mà nhiều bà mẹ khác cũng thường chỉ đưa trẻ thừa cân, béo phì đi khám dinh dưỡng vì lo ảnh hưởng tới ngoại hình của con trẻ, chứ ít bà mẹ để ý rằng tình trạng thừa cân, béo phì sẽ khiến con họ sau này có nguy cơ mắc các bệnh như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường...

 

Và nhiều biến chứng khó lường


Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP Hồ Chí Minh, so với năm trước, trẻ thừa cân, béo phì phải nhập viện trong tình trạng sốc nặng do sốt xuất huyết tăng hơn trước, nếu năm trước chỉ khoảng 6 - 10% thì năm nay là 10 - 15%. Việc điều trị bệnh sốt xuất huyết cho những trẻ thừa cân, béo phì này gặp khá nhiều khó khăn vì phần lớn các cháu thường nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ phải rất cẩn trọng trong việc tính toán lượng dịch truyền chống sốc sao cho thật phù hợp với cân nặng của trẻ, bởi liều lượng truyền theo độ tuổi thường chênh nhiều so với lượng truyền theo cân nặng của các bé béo phì. Hơn nữa, biểu hiện suy hô hấp ở nhóm trẻ thừa cân, béo phì cũng sớm hơn trẻ có cân nặng bình thường nên các bác sĩ cũng rất khó khăn trong việc chống suy hô hấp cho các cháu.


“Thời gian trẻ bị bệnh béo phì sẽ tỷ lệ nghịch với sự thành công trong điều trị bệnh. Những trẻ bị béo phì từ nhỏ rất dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ máu ở tuổi trưởng thành hoặc dẫn đến bệnh huyết áp cao, tim mạch, sơ vữa động mạch và các vấn đề khác như ung thư xương, sỏi mật... Ngày nay, các chuyên gia còn cảnh báo tình trạng béo phì ở trẻ còn liên quan tới vấn đề nội tiết, hoóc môn và sinh sản sau này... Đó là chưa nói đến chuyện, trẻ thừa cân, béo phì thường hay tự ti, ít hòa nhập với bạn bè nên ảnh hưởng đến tâm lý, trẻ dễ bị trầm cảm”, Ths. BS Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng) cho hay.


Theo Ths Bích Nga, bên cạnh các yếu tố kinh tế xã hội, di truyền thì nguyên nhân chủ yếu gia tăng tình trạng trẻ thừa cân, béo phì là do chế độ ăn không hợp lý, ăn nhiều chất béo, chất ngọt và ăn quá nhiều so với nhu cầu cơ thể. Càng ngày trẻ càng ít vận động và rèn luyện thể dục thể thao. Thay vào đó là lối sống tĩnh tại, trẻ thích đọc sách, xem ti vi, chơi game...


Trước thực tế này, các bậc cha mẹ cần phải phát hiện sớm từ lúc trẻ có nguy cơ bị thừa cân để tìm cách phòng chống. Cách tốt nhất để phát hiện trẻ bị thừa cân là luôn theo dõi cân nặng của trẻ, nếu thấy trẻ tăng cân quá nhanh trong một thời gian ngắn thì cần đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế, cân đo, xác định mức độ thừa cân và hướng dẫn trẻ cách tập luyện, ăn uống hợp lý.

 

Phương Liên