05:09 10/05/2012

Phong tục qua cách nhìn của chính đồng bào dân tộc

Những phong tục, tập quán luôn là bản sắc rất riêng của mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam, tạo nên một vườn hoa đa sắc của văn hóa. Chính bởi vậy, không có gì bất ngờ khi bản sắc văn hóa các dân tộc luôn là điều những người cầm máy, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều chọn để khai thác.

Những phong tục, tập quán luôn là bản sắc rất riêng của mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam, tạo nên một vườn hoa đa sắc của văn hóa.
Chính bởi vậy, không có gì bất ngờ khi bản sắc văn hóa các dân tộc luôn là điều những người cầm máy, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều chọn để khai thác.

Và càng không bất ngờ, khi đã có một dòng chảy của những phong tục tập quán trong 150 bức ảnh của triển lãm "Văn hóa của mình-Đối thoại trong không gian mở". Một dòng chảy của những tập tục, lễ hội, quen mà lạ, lạ mà quen. Quen bởi có thể những nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã từng chọn phản ánh. Nhưng lạ lại bởi, dưới góc nhìn của những người ngày đêm đắm mình trong lễ hội, tập tục; từ nhỏ đã ngác ngơ cặp mắt tròn với lung linh sắc màu "vùng cao" trong đó.

Tin Tức xin giới thiệu một chùm những bức ảnh như thế.

"Ảnh này chụp trong lễ cưới ở Sả Xéng. Mấy bà đang ngồi ăn ở đây vừa mang vải đỏ cùng những câu đối đến mừng và chúc đôi vợ chồng hạnh phúc, may mắn. Vải đỏ sau này đôi vợ chồng sẽ sử dụng may khăn, áo…". Ảnh: Phàn Lở Mẩy, dân tộc Dao (Lào Cai)

"Người Thái thường dùng rượu cần trong các dịp quan trọng như đám cưới, đám ma, lễ hội… Trong đám cưới, rượu cần dùng để mời khách, trước khi mời khách phải cúng ma nhà trước, thường là ông Mờ cúng hoặc chủ nhà. Thường mời khách là người già trước rồi mới đến trẻ. Khách đến thì phải mời rượu cần, bao giờ cũng mời uống rượu cần trước khi mời cơm. Khi uống rượu cần thường có hai gáo dừa nhỏ để đổ nước nguội vào (trước kia gáo làm bằng sừng trâu). Khi đổ 2 gáo nước vào, thì những người ngồi xung quanh uống rượu cần phải uống hết để nước không trào ra. Nếu để nước tràn ra sẽ bị phạt. Ảnh: Vi Thị Muôn, dân tộc Thái (Thanh Hóa).

“Cô dâu Lý Thị Thanh Tâm (19 tuổi) và chú rể Tìa Phương Thái (20 tuổi) trong trang phục truyền thống đang làm lễ lạy mặt trời. Đây là nghi thức bắt buộc phải được thực hiện ở nhà gái vào khoảng 4 giờ 30 sáng, trước lúc đón dâu về nhà trai. Người Khmer quan niệm rằng, hai người được cha mẹ sinh thành thì khi kết hợp với nhau phải làm lễ tạ mặt trời, nhờ mặt trời chứng kiến và cầu trời cho phát tài, phát lộc. Lễ này làm kế hông nhà gái, quay mặt qua hướng đông. Ảnh: Hồng Tam Bửu, dân tộc Khmer (Sóc Trăng)

"Trong ảnh là gia đình anh Côn Hắt ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt. Anh đang thổi khèn bè cho mẹ, vợ và các con nghe vào buổi chiều sau khi đi làm rẫy về. Anh thường đem khèn ra thổi cho cả nhà nghe để đỡ mệt. Anh Côn Hắt thổi khèn rất hay, nên hay được mời đi thổi ở khèn ở đám cưới hoặc lễ hội. Khèn bè này là do bố anh làm và dạy anh thổi. Bên cạnh anh là con trai Hồ Văn Hoàng. Anh Côn Hắt sẽ dạy cho cháu thổi kèn bè khi cháu 10 tuổi. Trong cuộc sống hàng ngày, khèn bè thường được mang đi lên nương, lên rẫy để thổi lúc nghỉ ngơi. Trước đây, thanh niên dùng khèn để múa hát giao duyên trong dịp đi sim ( tìm bạn gái). Ảnh: Hồ Thị Bụi, dân tộc Pa Cô (Quảng Trị)

"Tôi chụp ảnh bà đang dạy cháu đếm sợi, vì đếm sợi rất quan trọng. Ví dụ như hoa văn thêu 2 sợi mà sử dụng 3 sợi thì hỏng. Người ta dạy trẻ con bất cứ khi nào; nếu mùa hè dạy ở ngoài sân, ngoài hè, mùa đông dạy ở cạnh bếp, nhưng có đống sưởi và phải ở nơi sáng. Bà hay mẹ người Dao thường nhắc cháu gái, con gái, đã là người Dao thì phải biết thêu, nếu mặc như người Kinh thì người ta chê không biết thêu, thậm chí ế chồng. Cái bọn thanh niên này, nếu không biết thêu, đố ai lấy ?!”. Bà Tẩn Chiếu Mẩy, 72 tuổi và cháu Lý Tả Mẩy, 6 tuổi. Ảnh: Lý Mẩy Chạn, dân tộc Dao (Lào Cai).

"Theo tục lệ, nhà trai đi đón dâu chưa được lên nhà ngay mà phải ngồi ở ngoài. Sau khi thấy nhà trai đến, đại diện của nhà gái thầu ke mang chiếu, rượu, nước để mời nhà trai ngồi và trao đổi xem đã chuẩn bị lễ vật đầy đủ chưa rồi mới lên ngôi nhà gần đó gọi là nhà khơi. Lễ vật xin đón dâu phải có 1 con heo, chục con gà, áo, váy, bạc nén, đặc biệt là không thể thiếu được nồi đồng, đao và bát ăn cơm... Ảnh: Hồ Văn Phương, dân tộc Vân Kiều (Quảng Trị)

 

 

TTXVN/Tin tức