08:07 30/08/2012

Phong trào Không liên kết cần được tiếp thêm sức sống

Bất chấp sự phản đối của phương Tây, hơn 100 quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết (NAM), trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon, đã quyết định đến dự Hội nghị cấp cao NAM kéo dài đến hết tháng 8 tại thủ đô Têhêran của Iran.

Bất chấp sự phản đối của phương Tây, hơn 100 quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết (NAM), trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon, đã quyết định đến dự Hội nghị cấp cao NAM kéo dài đến hết tháng 8 tại thủ đô Têhêran của Iran. Chủ đề được hội nghị quan tâm là các cuộc xung đột, bảo vệ quyền lợi khu vực và các vấn đề phát triển kinh tế.

Phiên họp cấp chuyên viên của Hội nghị cấp cao NAM khai mạc ngày 26/8/2012 tại thủ đô Têhêran. Ảnh: THX/TTXVN


Hội nghị cấp cao (HNCC) lần thứ 16 của NAM bao gồm các cuộc họp cấp quan chức cấp cao, cấp Ngoại trưởng và cấp nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Với chủ trương tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, tại Hội nghị lần này, Việt Nam muốn đóng góp tích cực, xây dựng và có trách nhiệm cho việc thúc đẩy vị trí và vai trò của NAM, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của phong trào, lợi ích chính đáng của các thành viên; tăng cường sự tham gia, đóng góp của các nước không liên kết trong các cơ chế quốc tế, hợp tác Nam- Nam, Bắc -Nam; thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên không liên kết.


Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhiều nước thành viên NAM, làm tăng nguy cơ không đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 ở nhiều quốc gia. Tình trạng bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở Trung Đông- Bắc Phi,… tác động mạnh đến tình hình các khu vực, gây phân hóa giữa một số nhóm nước trong NAM. Bên cạnh đó, nước chủ nhà Iran cũng đang gặp nhiều thách thức khi các vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này gần đây không có tiến triển và Têhêran tiếp tục phải đối phó với sức ép của cộng đồng quốc tế.


Khẳng định vị thế


Têhêran đã chuẩn bị kỹ cho HNCC NAM lần thứ 16 trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách làm tê liệt nền kinh tế Iran và cô lập quốc gia này về mặt ngoại giao, nhằm buộc họ phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Đối với Iran, đây là cơ hội để nước này nâng cao vị thế quốc tế, qua đó tranh thủ tìm tiếng nói chung cũng như cơ hội tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên NAM. Trước thềm hội nghị, Têhêran một lần nữa khẳng định các biện pháp trừng phạt đơn phương của phương Tây nhằm vào Iran đều đi ngược lại hiến chương LHQ. Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo của NAM thể hiện lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt này. Ngoài ra, hội nghị cũng là dịp để Iran khẳng định vai trò trung gian trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt bạo lực đang diễn ra ở quốc gia láng giềng Xyri.

Được thành lập ở Bêôgrát (nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư cũ) năm 1961, NAM hiện có 120 nước thành viên, chiếm 2/3 số thành viên LHQ và khoảng 55% dân số thế giới.


Tại HNCC NAM lần thứ 16, một sự kiện được dư luận chú ý là Iran và Ai Cập sẽ chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao sau 3 thập kỷ gián đoạn. Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đích thân đến Iran để bàn giao chức Chủ tịch luân phiên của NAM cho Têhêran. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Ai Cập đến Iran kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao hơn 30 năm trước sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và việc Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với Ixraen. Chuyến đi của ông Morsi cũng được coi là một trong những định hướng mới trong chính sách của Cairô.


Đối với các thành viên của NAM, việc khơi dậy sức sống của phong trào cũng được quan tâm khi đại diện các nước nhấn mạnh việc nâng cao vai trò của các nước đang phát triển trên các diễn đàn quốc tế. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao hôm 26/8, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi đã kêu gọi tất cả các thành viên phối hợp hành động ở mức cao nhất để thúc đẩy sự hòa hợp văn hóa, thiết lập quyền tự quyết và tiến tới những chính phủ dân chủ đủ mạnh, góp phần thiết lập hòa bình trên thế giới. Những cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy chỉ riêng một số quốc gia đơn lẻ không thể điều hành thế giới. Nếu các quốc gia độc lập đóng góp vào quá trình điều phối giải quyết các vấn đề của thế giới, thế giới sẽ đạt được sự phát triển và hòa bình bền vững hơn.


Vượt qua thách thức


Mặc dù nhiều nhà phân tích cho rằng NAM - được thành lập năm 1961 nhằm chống lại sự thống trị của các cường quốc trong quan hệ quốc tế- đã suy yếu nhiều kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, song việc Iran đăng cai hội nghị NAM lần này tạo cơ hội để Têhêran chứng tỏ rằng Oasinhtơn đã thất bại trong việc cô lập một quốc gia với phần còn lại của thế giới. Điều đáng lưu ý nữa là việc Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kiên định công du Iran bất chấp sức ép ngoại giao của Mỹ và Ixraen đòi tẩy chay sự kiện này.


Đại sứ Iran tại Pháp Ali Ahani cho rằng HNCC không liên kết lần thứ 16 phải là cơ hội để tạo ra một hình mẫu mới về mối quan hệ và thái độ chính trị, trong đó các nước nằm ngoài hai khối nước trước đây có thể tác động. Nói cách khác, giờ là thời điểm để NAM thiết lập lại mối quan hệ quốc tế công bằng. Nhưng có một thực tế là các nước thuộc phong trào đang đứng trước những thách thức to lớn về phát triển kinh tế, phải đương đầu với những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa. Nhìn chung, các nước không liên kết vẫn phải đấu tranh giải quyết vấn đề đói nghèo, tình trạng bất ổn định xã hội, xung đột sắc tộc tôn giáo, đối phó với chính sách cường quyền, xu hướng áp đặt và can thiệp của một số nước lớn. Tình trạng bất ổn hiện nay tại một số quốc gia thành viên của NAM như Xyri, Ápganixtan, Irắc, Palextin… đòi hỏi nhiều sự phối hợp cấp khu vực và quốc tế để tìm giải pháp cho các vấn đề. Rõ ràng, Iran và các nước thành viên đang mang trên vai trọng trách lớn và gian nan…


Để vượt qua thử thách đó, NAM cần được tiếp thêm sức sống cho phù hợp với tình hình hiện nay. Có như vậy, cơ cấu chính trị quốc tế lớn nhất sau LHQ này mới có khả năng lấy lại vị trí của mình và đóng vai trò tích cực trong việc tạo điều kiện thiết lập mối quan hệ quốc tế công bằng, ngăn chặn phân biệt và áp lực chính trị và kinh tế chống lại các nước Thế giới thứ ba. Là một thành viên của NAM, thực tiễn những gì Việt Nam thể hiện trên trường quốc tế những năm qua cho thấy vai trò của các nước vừa và nhỏ sẽ chỉ đạt được khi chính bản thân các nước phát huy được nội lực của mình.

 

Nguyệt Ánh