10:20 21/10/2014

Phòng tránh biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết

Hiện tại vẫn là “mùa” của dịch sốt xuất huyết, nên cả nhân viên y tế và phụ huynh không được chủ quan đối với căn bệnh này.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi Sức ngoại - Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện tại vẫn là “mùa” của dịch sốt xuất huyết, nhất là tại khu vực phía Nam, nên cả nhân viên y tế và phụ huynh không được chủ quan đối với căn bệnh này; cần theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Bác sỹ Bệnh viện Nhiệt Đới Thành Phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhi bị bệnh sốt xuất huyết tại Khoa hồi sức cấp cứu. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


“Nên đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi thấy triệu chứng sốt cao trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu như: Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống”, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo.

Tuần qua, khoa Hồi sức , BV Nhi đồng 1, đã tiếp nhận bệnh nhi Ng V T, 5 tuổi, ngụ tại Tân Trụ, Long An, được chuyển từ bệnh viện địa phương với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 4, suy hô hấp nặng.

Khai thác bệnh sử cho thấy, bé T bị sốt cao liên tục trong 3 ngày, nhưng đến ngày thứ 4 gia đình mới đưa đến bệnh viện địa phương khi cháu đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh.

Được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày 4, bệnh nhi đã được truyền dịch chống sốc theo phác đồ nhưng vẫn bị sốc kéo dài, khó thở, bụng phình căng, xét nghiệm có biểu hiện tổn thương gan nặng nên được đặt nội khí quản giúp thở và sau đó chuyển đến BV Nhi Đồng 1.

Tại đây, bé T đã được điều trị truyền dịch chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại. Do tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng hơn nên trẻ đã được chọc dò màng bụng giải áp. Bệnh nhi cũng được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh… để giảm tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng.

Kết quả, sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay, tình trạng sức khỏe của cháu T được cải thiện dần, bệnh nhi tỉnh táo hơn và đã được “cai” máy thở.

Theo các chuyên gia y tế, không phải trường hợp sốc sốt xuất huyết nào cũng có một kết quả điều trị tốt như bé T; do đó, các bậc phụ cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.


Phương Liên
(tổng hợp)