Xe chở vật liệu xây dựng 'băm nát' đường dân sinh

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được đầu tư, xây dựng, phục vụ hiệu quả nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm “chịu trận” xe tải chở vật liệu xây dựng, trốn trạm kiểm soát giao thông lưu thông qua lại, nên nhiều tuyến đường này đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Đoạn đường từ đường Hồ Chí Minh dẫn vào Thủy điện Buôn Kuốp thuộc xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), lồi lõm hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trong hai ngày 24 và 25/7, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tìm về xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột để ghi nhận tình trạng xe quá tải chở vật liệu xây dựng hoành hành trên đường liên thôn, liên xã theo phản ánh của người dân.

Tuyến đường nhựa thôn 12 xã Hòa Phú nối liền từ đường Hồ Chí Minh đi xã Đray Sáp, huyện Krông Ana chỉ dài 17 km, nhưng gần 10 km đã bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường nhựa bị bong tróc, nhiều vị trí hằn vệt bánh xe kéo dài, nhiều đoạn đường bị lún tạo thành những ao nhỏ tích nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Quan sát trên đường khoảng 20 phút, chúng tôi chứng kiến có hàng chục lượt xe tải của nhà xe Hoàng Nam, Phú Sơn, Trung Tuấn, từ các mỏ đá của xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột và mỏ cát Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana chở đầy ắp cát, đá rầm rập chạy qua. Hầu hết các xe đều chở quá khổ, quá tải, nhiều xe không che đậy khiến đất đá rơi vung vãi trên đường.

Anh Nguyễn Công Trình, thôn Đray Sáp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana bức xúc cho biết: “Nhà tôi ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, nhưng tôi làm rẫy ở xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Mỗi ngày tôi lưu thông trên tuyến đường này hai lần, đường chỉ rộng 10m, nhưng ngày nào cũng thấy xe trọng tải nặng rầm rập chạy qua. Nhiều đoạn đường không chịu được trọng tải xe đã bị sụt lún, tạo thành các ổ voi, ổ gà. Cách đây vài ngày, những ổ voi loang lỗ này được phủ lên một lớp đất đá phẳng. Thế nhưng chỉ sau vài cơn mưa, các ổ voi đã xuất hiện trở lại”.

Ông Vũ Quang Hưng, Trưởng thôn 12, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột xác nhận: "Nhiều đoạn trên tuyến đường thôn 12 đã xuống cấp khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Đặc biệt, trên tuyến có 3 chiếc cầu Buôn Tuor 1,2,3 bắc qua, chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 30 tấn, nhưng hàng ngày vẫn có nhiều xe chở theo cát, đá có trọng tải 50 - 60 tấn lưu thông qua cầu. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tôi đều kiến nghị chính quyền xã tu bổ lại đường thôn 12 và có biện pháp ngăn chặn xe trọng tải nặng để bảo vệ con đường, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông".

Tại tuyến đường thôn 11, xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột đi xã Ea Na, huyện Krông Ana, tình trạng đường bị xuống cấp nghiêm trọng hơn. Ngay từ cổng chào thôn 11 mặt đường đã bị bong tróc hết lớp nhựa, lởm chởm đá. Càng đi sâu về hướng xã Ea Na, mặt đường xuất hiện nhiều các hố voi, lênh láng nước, đất đỏ nhão nhoẹt.

Theo ông Hồ Sơn, thôn 11, xã Hòa Phú, trước đây đường thôn 11 được trải nhựa phẳng phiu, chỉ sau một thời gian ngắn chịu xe chở đá, cát xây dựng trọng tải nặng, tuyến đường đã trở lại nguyên trạng đường cấp phối, bụi bặm vào mùa khô, lầy lội, bùn đất đỏ quyện vào bánh xe mùa mưa như thế này. Lưu thông trên tuyến đường này là “cực hình” với người dân.

Ông Từ Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết, đường liên xã Hòa Phú – Đray Sáp là do Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thi công từ năm 2003, với nguồn kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Đến năm 2011, thủy điện Buôn Kuốp đã bàn giao lại cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lý. Tuyến đường phục vụ cho nhu cầu đi lại của khoảng 600 hộ dân.

Xe chở đá, cát quá tải thường xuyên qua lại. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nguyên nhân tuyến đường xuống cấp là do trên địa bàn có đến 6 mỏ khai thác đá xây dựng của Công ty xây dựng Hoàng Vũ, Công ty xây dựng Hoàng Nam, Công ty Phú Xuân, Công ty cổ phần Kim Thịnh, Công ty 470...


Mỗi ngày có hàng chục loại xe trọng tải nặng chở đá lưu thông qua, làm nhiều đoạn trên tuyến xuống cấp. Ngoài ra, cả hai tuyến đường thôn 11 và 12 đều kết nối với mỏ cát Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana nên đây là con đường “đắc đạo” để các xe tải né trạm cảnh sát giao thông.

Theo ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, các tuyến đường thôn 11 và 12 do UBND thành phố Buôn Ma Thuột quản lý, nên chỉ khi nào có tin báo xe chở quá trọng tải về đường dây nóng thì lực lượng thanh tra mới tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định.

Việc xe chở trọng tải nặng, né trạm cảnh sát giao thông, lưu thông trên các tuyến đường liên thôn, liên xã không chỉ làm hư hỏng đường, nguy cơ mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn và mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xe chở trọng tải nặng, né chốt để các tuyến đường giao thông nông thôn không còn bị băm nát bởi xe quá tải.

Phạm Cường (TTXVN)
Dân kêu trời vì đường xuống cấp
Dân kêu trời vì đường xuống cấp

Tuyến đường liên huyện ĐH05 chạy qua địa phận 3 xã tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đang bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân mỗi khi buộc phải đi qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN