Theo đó, hàng loạt giấy phép khai thác mới, gia hạn giấy phép, khai thác tận thu cát, sỏi trên sông Lô đã được cấp. Cấp phép tràn lan, cùng với việc quản lý lỏng lẻo, đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp “phá rào”, thế nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.
Hàng trăm ha đất nông nghiệp mầu mỡ dọc hai bờ dọc Sông Lô thuộc địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc bị xóa sổ và đang dần bị xóa sổ. Ảnh: TTXVN |
Ví dụ điển hình nhất là câu chuyện một xã có chưa đầy 5km bờ sông nhưng lúc cao điểm có đến 6 đơn vị được cấp phép khai thác cát như xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, khi hỏi về việc cấp phép mỏ với mật độ dày đặc như trên, thì đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho là bình thường, và thực hiện đúng theo quy hoạch của UBND tỉnh phê duyệt, với tiêu chí “có chủ, để quản lý, tránh tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn sông Lô, tránh việc khu vực có cát lại khai thác trái phép”.
Việc một số doanh nghiệp khai thác cát sỏi sâu vào bờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều, làm sạt lở nhiều diện tích đất soi bãi của bà con khu vực ven sông Lô, đoạn qua tỉnh Vĩnh Phúc đã quá rõ. Thế nhưng không hiểu vì sao, công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không phát hiện được.
Ông Trần Minh Dương, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hàng năm đơn vị này vẫn thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với 6 đơn vị được phép khai thác cát sỏi và cả 6 đơn vị này đều hoạt động đúng theo chỉ giới được cấp phép.
Ông Dương cũng khẳng định, việc khai thác cát sỏi không ảnh hưởng tới các công trình đê điều. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô, ông Dương Văn Sơn lại thừa nhận có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, trong đó có việc nạo vét dòng sông, khai thác cát sỏi.
Tại Tuyên Quang, trước tình trạng sạt lở bờ sông, tỉnh này đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng việc khai thác bằng phương pháp tàu cuốc. Tuy nhiên, thực tế, nhiều đơn vị vẫn ngang nhiên sử dụng tàu cuốc để khai thác cát sỏi, nhưng vẫn không thấy bất kỳ cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý.
Ghi nhận của phóng viên tại khu vực xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, vẫn có tàu cuốc khai thác ầm ầm suốt đêm. Cát sau khi khai thác được chuyển thẳng lên xà lan đưa đi tiêu thụ. Cũng theo phản ánh của người dân thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn, thì thời gian gần đây, những tàu cuốc này làm liên tục cả đêm. Bờ sông bị sạt đến sát chân đê, bà con cũng chỉ biết thế, chứ cũng chẳng biết kêu ai.
Còn tại Phú Thọ, tình trạng các đơn vị khai thác cát sỏi vượt quá số lượng tàu khai thác, hoặc không gắn biển công ty, khai thác vào sâu đất liền cũng diễn ra khá nhiều. Phòng cảnh sát giao thông đường sông - Công an tỉnh Phú Thọ, cũng đã tiến hành xử phạt một số trường hợp vi phạm.
Việc cấp phép dày đặc, khai thác quá mức sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu vật liệu xây dựng trong tương lai. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, người dân cho rằng, số vụ vi phạm bị phát giác và xử phạt quá “khiêm tốn” so với thực tế đang diễn ra trên dòng sông Lô.
Ông Nguyễn Xuân Toản, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Lô. Từ 2016 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường chưa phát hiện hành vi vi phạm nào trong quá trình hoạt động.
Không chỉ cấp phép với mật độ dày đặc, mà việc phê duyệt số lượng và chủng loại phương tiện khai thác cũng có nhiều bất cập. Bởi đề án khai thác của một số đơn vị chỉ khai thác độ sâu 5-10m, nhưng cơ quan chức năng lại cấp phép cho những con tàu có khả năng khai thác ở độ sâu 30-40m. Trong khi đó, thiết bị kiểm tra về độ sâu thì không được trang bị đầy đủ, thiếu sự chuẩn xác...