Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp - Bài 2

Không chỉ ô nhiễm từ nguồn nước thải, vấn đề ô nhiễm không khí tại các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay cũng là vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, xử lý vi phạm do ô nhiễm khí thải lại chưa được quan tâm thích đáng.

Sống khổ trong ô nhiễm

Từ vài năm nay, người dân sinh sống tại các tòa nhà HH2, CT7, CT8 thuộc khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên phải sống trong bầu không khí có mùi khét do đốt nhựa hoặc hóa chất với nồng độ đậm đặc phát tán từ CCN Yên Nghĩa, chỉ cách đó không xa. Bà Nguyễn Thị Oanh, sống tại tòa HH2 cho biết, từ 18 giờ đến 23 giờ hằng ngày, không khí có mùi khét rất khó chịu lại lan tỏa đậm đặc. Nếu ngửi lâu cảm thấy choáng váng, tức ngực. Gần như cả khu, không ai dám mở cửa sổ vì không khí... ô nhiễm. “Nhưng cứ mỗi lần người dân phản ánh đến chính quyền địa phương và Ban Quản lý CCN Yên Nghĩa, các cơ sở sản xuất tạm dừng xả khí thải một thời gian ngắn, rồi lại tái diễn”, bà Oanh cho biết. 

Phó Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa cho biết, phường đã nhận được đơn thư của người dân sống khu đô thị mới Dương Nội. Qua kiểm tra rà soát CCN Yên Nghĩa và các khu vực lân cận, UBND phường đã xác minh có 4 công ty tại CCN này đang hoạt động sản xuất sơn, nhựa có khả năng tạo ra mùi khét như phản ánh của người dân. Sau đó, phường đã có kiến nghị UBND quận Hà Đông kiểm tra, xử lý.

Trạm trộn bê tông tại cụm công nghiệp Yên Nghĩa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại các tòa nhà Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Đông).

Trao đổi về vấn đề này, bà Đoàn Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết, quận đã tổ chức đoàn công tác liên ngành xuống kiểm tra, bước đầu xác định 4 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su, cơ khí, phụ tùng, sơn… có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp này đã phát sinh bụi, khí thải hoặc không thực hiện việc giám sát chất lượng không khí đã cam kết trong bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường... Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu phân tích để làm cơ sở kết luận sai phạm và đề xuất phương án xử lý.

Tương tự, tình trạng ô nhiễm không khí, khí thải ở nhiều CCN hiện vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Đơn cử như tại CCN Liên Trung và Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) chuyên nghề sản xuất mộc. Hàng ngày, với hàng trăm cơ sở sản xuất đồ gỗ hoạt động, tiếng cưa máy ầm ầm, bụi gỗ và mùi sơn khiến không khí nơi đây trở nên vô cùng ngột ngạt. Ông Nguyễn Quang Lục, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà cho biết, mặc dù các hộ vào sản xuất trong cụm công nghiệp đều phải có cam kết bảo vệ môi trường nhưng trong quá trình sản xuất cũng không tránh được ô nhiễm.

78,4% cơ sở sản xuất chưa xử lý khí thải

Mới đây, Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường) đã thực hiện Nghiên cứu về kiểm soát ô nhiễm khí thải từ CCN ở Việt Nam, đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại các CCN ở Việt Nam. Theo khảo sát của các nhà khoa học tại một số CCN nằm trên địa bàn 4 tỉnh: Bắc Ninh (CCN Phong Khê, Mả Ông), Thừa Thiên - Huế (CCN Thủy Phương), Bình Định (CCN Gò Đá Trắng) và TP. Hồ Chí Minh (CCN Lê Minh Xuân). Kết quả cho thấy, thực trạng ô nhiễm khí thải tại CCN đối với hai loại hình sản xuất, tái chế giấy và tái chế kim loại là vấn đề cần được quan tâm nhiều nhất với mức độ gây ô nhiễm khá cao. 

Đối với loại hình sản xuất, tái chế giấy, không khí bị ô nhiễm bởi các chất độc hại như CO, SO2, Cl2 đều vượt quá giới hạn cho phép so với quy chuẩn Việt Nam, có thông số vượt quá 3 - 4 lần. Đối với loại hình tái chế kim loại, các chất như SO2, CO, NO2, Bụi, Cu, Zn cũng vượt quá giới hạn cho phép so với quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, ô nhiễm mùi cũng là một vấn đề bức xúc tồn tại từ nhiều năm nay chưa được khắc phục.

Đặc biệt, việc thực hiện kiểm soát ô nhiễm khí thải còn tồn tại nhiều khó khăn do công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều khí thải, trongkhi đó, chế tài xử lý ô nhiễm chưa hiệu quả.

Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tại các CCN,  có tới 78,4% các cơ sở sản xuất được điều tra chưa có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.

Về vấn đề này, Thượng tá Lê Văn Tâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội cho biết, bên cạnh bất cập trong xả thải, quản lý về khí thải hiện nay còn nhiều khó khăn. Bởi rất khó có thể “bắt tận tay” các hành vi ô nhiễm, việc xả khí thải thường rất thất thường, phát tán nhanh trong khi chế tài yêu cầu phải có lưu lượng mới có thể xử phạt. “Bên cạnh đó, quy định hiện nay còn khá chung chung, với hành vi “thải mùi hôi thối, mùi khó chịu vào môi trường” sẽ bị phạt 1 - 3 triệu đồng. Nhưng như thế nào là mùi hôi thối, khó chịu? Căn cứ vào đâu để xác định thì chưa có nên rất khó trong xử lý”, ông Tâm cho biết.

Bài cuối: Tăng chế tài xử lý
Thu Trang
Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp  - Bài 1
Nhức nhối ô nhiễm cụm công nghiệp - Bài 1

Khói bụi, tiếng ồn và nước thải độc hại bao quanh thôn xóm, làng mạc... là thực tế ô nhiễm tại nhiều cụm công nghiệp (CCN) hiện nay. Các cơ quan chức năng thừa nhận, người dân đang phải sống chung với ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN