Người Việt ở Tonlé Sap

Với tầm 15 USD (khoảng 70.000 Riel, 380 ngàn đồng) là du khách có thể vi vu trên Tonlé Sap (Biển Hồ, thuộc ấp Kbal Tao, xã Kaoh Chiveang, huyện Aek Phnom, tỉnh Battambang, Campuchia) mênh mông sông nước đục ngầu chất phù sa.

Xuôi dòng Tonlé Sap đến làng chài Kbal Tao

Chiếc tàu chở nhóm 15 người làng chài Kbal Tao khởi hành vào 12 giờ trưa. Nắng kinh khủng, dù đang mùa mưa. Mùa này nước Biển Hồ đã cạn, cộng thêm lượng phù sa bồi đắp khá cao nên tàu di chuyển khó khăn vì chân vịt của máy thuyền hay vướng vào bùn. Trên triền đê, những con người với màu da bánh mật đang chài cá mưu sinh. Không biết họ là người Việt hay người Campuchia, nhưng khi nhìn thấy chúng tôi chĩa ống kính về phía họ, họ cười một cách thân thiện. Những xô cá của những đứa trẻ đen nhẻm, mặc chỉ mỗi chiếc quần đùi chạy theo ba đi chài có vẻ đầy ắp cá. Trông chúng xách một cách nặng trĩu cũng đủ hiểu thu hoạch cho buổi mưu sinh này khá tốt. Anh Hoàng, một tiểu thương buôn bán nội thất ở Nam Vang, làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho biết: "Họ là người Việt đấy! Đa số dân sống trên vùng Biển Hồ này đều là người Việt. Cũng có cả người Chăm nhưng rất ít”. 

Nơi tập kết thu mua cá đánh bắt được trên Biển Hồ.

Do nước cạn nên thuyền chúng tôi di chuyển khá vất vả. Thỉnh thoảng chân vịt của máy vướng vào bùn, hoạt động không được nên thuyền đứng yên. Hai thanh niên người Campuchia lái thuyền phải nhảy xuống gỡ bùn thì thuyền mới thôi trở chứng. Chốc chốc có những chiếc thuyền song hành bắn bùn phía sau đuôi tung tóe khiến các tàu bên cạnh phải giật mình vì đất phù sa suýt văng vào người. Mất 40 phút chúng tôi mới có mặt tại trung tâm Biển Hồ, làng chài Kbal Tao.

Trung tâm của Tonlé Sap là khoảng nước mênh mông, nhìn xa chẳng thấy bến bờ. Con người như lọt thỏm giữa đại dương ngút ngàn. Nếu không có nhà hàng nổi, nhà bè, quán ăn, và những đứa trẻ ăn xin thì du khách chẳng có gì thưởng ngoạn. Tàu chúng tôi cập bến vào một quán ăn trên chiếc bè to. Chỉ vừa cập bến thôi thì không biết từ đâu, những chiếc xuồng nhỏ ùa đến tấp nập. Chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, người gốc Việt, nói sõi tiếng Việt, Khmer và còn rành cả tiếng Anh, Hàn, Hoa... những đứa trẻ trông như những nghệ sĩ xiếc thú thuần thục. 

Trường học do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng.

Những chú trăn to dài cử động uể oải, lờ đờ (có lẽ do phơi mình cả ngày) cuộn tròn trên những chiếc áo nhuộm màu phù sa được trẻ làm "bùa hộ mệnh" cho công việc hết sức khó nhọc này. Chúng chào khách, sau đó vân vê lên da trăn, nâng chúng về hướng du khách và xin tiền. Tôi đưa 1 USD cho cậu bé gầy gò, đen đúa đang bơi trên chiếc thau nhôm to ôm con cá sấu ốm đói đã buộc mõm: "Cháu chèo bằng thau không sợ té xuống nước sao? Nguy hiểm lắm!". Ngay lập tức thằng nhỏ trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ: "Con... con không sợ! Hồ cạn mà!". Nó nói xong liền đưa chân lội xuống nước, chỉ hơn đầu gối một tí. Không riêng những đứa trẻ “sở hữu” cá sấu mà cả trên quán ăn cũng nuôi một chuồng cá sấu to với những con nhe nanh trông dữ tợn. Khi tôi hỏi liệu chúng có sổng chuồng tung hoành trên Biển Hồ không thì nhân viên người gốc Việt tên Hiền (tên Khmer là Ly Heang) cho biết: "Dạ, không có đâu anh. Chuồng được rào kỹ lắm!". Nói là rào kỹ nhưng nhìn rất sơ sài. Đến một lúc nào đó, chúng to lớn, phá bĩnh hàng rào, phóng mạnh trườn ra Biển Hồ thì nguy. Anh Hoàng bảo: "Cậu em cứ lo xa! Chưa trưởng thành là chúng đã "tiêu"rồi!”.

Quán ăn có một sân thượng rộng. Từ đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh Tonlé Sap, nhà hàng nổi với hình chiếc thuyền giống như Titanic ở Đại Tây Dương thời trước. Xa xa là những nhà bè của người Việt, nơi mà họ cư ngụ, ngả lưng vào mỗi đêm, sau một ngày đánh bắt cá vất vả trên Biển Hồ. Anh Hoàng chỉ tay về hướng Tây cho biết: "Đó là trường học do Quân khu 7 - Quân đội nhân dân Việt Nam tặng. Gần đó là một ngôi trường vừa mới khánh thành được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và chính quyền các cấp TP.HCM". Anh nói thêm, kinh phí xây dựng ngôi trường mới này được Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trao tặng nhân chuyến thăm Campuchia vào tháng 6 vừa qua. Trường được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia đã vận động và trao tặng bà con nơi đây 3 tấn gạo cùng một số sách giáo khoa, vở viết cho các cháu.
Phận người Việt ở Tonlé Sap

Nhà bè của người Việt.

Rời quán, chúng tôi ghé nhà bè của ông Hùng, là địa chỉ quen thuộc mà anh Hoàng thường đến khi đặt chân đến Biển Hồ. “Cơ ngơi” của ông Hùng khá yên ắng vì tất cả những người trẻ đã đi lao động hết rồi. Ông đã ngoài 60 tuổi, sống trên nhà bè ọp ẹp rộng chừng 30 m2 đã hơn 30 năm. Nhà bè này là nơi che mưa, che nắng của biết bao thế hệ gia đình ông Hùng. Ông có 10 người con nhưng vào một ngày sóng dữ trên Biển Hồ, hai đứa con ông bị hà bá bắt đi khi chưa đầy 3 tuổi. Vậy mà ông bảo là còn may mắn. Bởi nhiều gia đình khác hầu như nửa số con của họ bị thần sông ghét bỏ, cuốn đi. Tám người con của ông lớn lên nhờ sự che chở, nuôi nấng của Biển Hồ, nhưng chẳng ai có tờ giấy lộn lưng. 

Đó là lý do họ bám sông Tonlé Sap mà không chịu "lên bờ" vì muốn xin việc phải có giấy tờ tùy thân. Nếu muốn được cấp giấy chứng nhận để xin việc hoặc cho con đi học thì mỗi người phải đóng phí 70 USD/người. Mà nhà nào cũng đông con lấy tiền đâu mà đóng. Vì vậy con trai, cháu trai lớn của ông thì đi giăng lưới bắt cá, nhưng chỉ được 6 tháng (6 tháng còn lại chính quyền cấm đánh bắt do sợ tài nguyên cạn kiệt và để cho cá sinh đẻ). 

Đưa tay rót ly trà mời khách phảng phất mùi phù sa ngai ngái, ông Hùng cho biết: "Trong làng này có khoảng 3.000 người Việt sinh sống, chẳng ai có giấy tờ gì cả, kể cả gia đình tui cũng thế. Hồi trước tui quê ở Châu Đốc, năm 1981 tham gia đội quân tình nguyện giúp Campuchia chống lại quân Khmer Đỏ. Sau đó tui bị thương, ở lại Campuchia sinh sống rồi cưới vợ người Việt, trôi dạt tới Biển Hồ này”. Khi tôi hỏi sao ông không về Việt Nam thì ông trả lời: "Giấy tờ tùy thân còn đâu mà về. Mà về đó cũng không biết gia đình còn ai hay không nữa. 

Thôi thì sống ở đây đến chết treo xác tới khi thối rữa là hết một đời người thôi!". Ông Hùng thở dài. Ở đây, người chết không được yên nghỉ đàng hoàng, cũng như lúc sống. Người ta quấn khăn liệm xác rồi treo lên cây cho đến khi mưa xuống, xác thối rữa phân hủy dần. Nhưng rồi việc đó ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên bị cấm. Thấy vậy bà con người Việt lén lút đem xác chôn ở bờ và các triền đê. Ông Hùng kể, hầu như người thân trong nhà chết thì chỉ lưu lại trong tâm trí và khi đến ngày giỗ thì cúng kiến qua loa chứ chẳng có di ảnh, huống hồ gì mồ yên mả đẹp. Ở đây, để có một nơi an nghỉ khang trang thì phải đóng 200 USD/suất đất. Với họ, khi miếng ăn phải chạy vạy từng bữa thì lấy đâu ra 200 USD.

Chia tay ông Hùng, tôi không quên gương mặt đen đúa, chất phác, đầy vẻ lo toan của ông. Ông lo lắm, lo thật nhiều về số phận của gia đình ông và cả người Việt ở đây khi mà không biết lúc nào chính quyền buộc những ai sinh sống trên nhà bè phải lên bờ.

Rời "căn nhà" của ông Hùng, chúng tôi đến "trường học nổi" của người Việt ở Biển Hồ. 10 phút sau, dãy nhà gỗ màu xanh hiện ra với bảng chữ vàng - trắng khá to: "Trường tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng". Khi thuyền chúng tôi cập bến, nhiều đứa trẻ người Việt đen nhẻm đã ùa ra kéo dây buộc vào thành bè. Chúng tôi đến vào buổi nghỉ giải lao nên được dịp tiếp xúc, trò chuyện rôm rả với thầy hiệu trưởng Trần Văn Tư (80 tuổi), dù là những phút hiếm hoi. Thầy đã bộc bạch nỗi lòng và cơ duyên đến với nghề giáo bất đắc dĩ: Trước đây thầy đi buôn muối, sau đó thấy hoàn cảnh của trẻ em nơi đây quá khổ, chẳng đứa nào biết viết tiếng Việt nên thầy nặng lòng, ở lại mở trường. Ban đầu lớp học chỉ vài chục em thôi, nhưng đến nay, nhờ sự giúp đỡ của Quân khu 7 và các Mạnh Thường Quân mà số lượng học sinh tăng lên vài trăm em. Thầy cho biết: “Bọn trẻ sáng dạ lắm nên rèn chữ cũng không vất vả. Chỉ khổ nhất là vận động cha mẹ chúng cho đến lớp đều đặn. Khi được biết học miễn phí, lo ăn tại trường miễn phí, phụ huynh đều gật đầu đồng ý”. Ngoài thầy hiệu trường thì còn 4 giáo viên nữa đứng lớp. Dù đồng lương ít ỏi nhưng ai cũng thấy vui vì ít ra mình đã làm được một việc ý nghĩa, cao cả. Thỉnh thoảng nhiều phái đoàn ở Việt Nam, nhóm khách du lịch đến ủng hộ tiền, dụng cụ học tập và thực phẩm nên gánh lo toan trên đôi vai thầy Tư vơi đi phần nào. Tuy vậy, chính quyền không hỗ trợ bất kì kinh phí nào dù phía nhà chức trách chấp thuận cho mở trường học tiếng Việt tại đây.
Đặng Trung Thành
Khánh thành trường học trên Biển Hồ cho Việt kiều tại Campuchia
Khánh thành trường học trên Biển Hồ cho Việt kiều tại Campuchia

Một trường học nổi dành cho con em Việt kiều tại Campuchia trên Biển Hồ đã được khánh thành ngày hôm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN