Mùa sơn tra ở Mù Cang Chải

Từ một cây mọc tự nhiên trên rừng, giờ đây, sơn tra đã trở thành cây trồng hàng hóa. Cùng với cây lúa, ngô, sơn tra đang là loại cây quý giúp người dân Mù Cang Chải thoát nghèo và làm giàu.

Cây xóa đói giảm nghèo

Chúng tôi lên Mù Cang Chải (Yên Bái) vào giữa tháng 9, cũng là thời điểm chính vụ quả sơn tra. Khắp thị trấn phố núi, nơi nào cũng phảng phất mùi thơm dìu dịu, quyến rũ của loại quả chua chát này.

Niềm vui của anh Lờ A Chư khi thu hái sơn tra.

Sùng A Mạnh, chàng thanh niên người Mông chở chúng tôi đi vào rừng sơn tra ở xã Lao Chải. Qua khu trung tâm xã, chiếc xe rẽ vào con đường đất lổn nhổn đất đá, nhiều chỗ sạt lở, đến nỗi đi bộ cũng khó, ấy vậy mà Mạnh vẫn cứ đi băng băng. Mạnh bảo, mấy hôm nay trời nắng, đường đi dễ hơn nhiều. Hôm nào trời mưa, để đi qua được trên con đường này, bà con phải quấn xích quanh bánh xe, xe mới không bị lao xuống vực. Dọc tuyến đường lên rừng sơn tra hầu như không thấy bóng người, thi thoảng có gặp một chiếc xe máy chở sơn tra đi ngược chiều xuống chợ. Mạnh cho biết, giờ đang mùa sơn tra chín rộ, nên các gia đình đều tranh thủ mang xuống chợ bán.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, men theo triền núi, cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu trồng sơn tra của gia đình anh Lờ A Chư. Cả một sườn núi toàn sơn tra đang độ chín, tỏa hương thơm ngào ngạt. Anh Chư cho biết, đây là rừng sơn tra gia đình anh mới trồng được khoảng chục năm, nên cây chưa to lắm, nhưng đã cho thu hoạch khá nhiều quả. Mùa sơn tra năm nay, gia đình anh thu về khoảng 20-30 triệu đồng.

Lờ A Chư kể, ngày xưa, sơn tra mọc tự nhiên trong rừng, trái rụng đầy nhưng gia đình không buồn nhặt, vì không bán được. Mấy năm gần đây, nhiều người đến Mù Cang Chải mua, nên giá bán sơn tra cao hơn, gia đình có thêm thu nhập. Từ khi sơn tra có giá, gia đình anh đã trồng thêm, đến nay, gia đình có khoảng hơn 2 ha cây sơn tra, trong đó có trên 1 ha đã cho thu hái quả thường xuyên. Lờ A Chư cho biết, gia đình anh có gần chục miệng ăn, nguồn thu nhập chính từ thảo quả và sơn tra. Nhưng năm nay, thời tiết thay đổi, băng tuyết nhiều, thảo quả mất mùa, cũng may có thu nhập từ quả sơn tra, nên gia đình anh đỡ vất vả hơn. Không chỉ gia đình Lờ A Chư, mà nhiều gia đình khác ở đây như Lờ A Su, Sùng A Phênh… cũng cùng chung hoàn cảnh.

Rời Lao Chải, chúng tôi trở lại thị trấn Mù Cang Chải. Những ngày này, Mù Cang Chải đông vui, tấp nập hơn, bởi có rất nhiều du khách lên ngắm mùa vàng ruộng bậc thang. Tranh thủ lúc này, bà con thu hái sơn tra, mang xuống núi. Những chiếc xe máy chở táo cứ tấp nập nối đuôi nhau xuống chợ, đổ cho các thương lái. Một số người dựng bao tải, ngồi bán ngay bên đường từ trưa đến tận tối.

Quả sơn tra, còn gọi là quả táo mèo, tiếng Mông gọi quả tu di.


Đã 8 giờ tối, nhưng anh Sùng A Chinh vẫn kiên nhẫn ngồi bán sơn tra ven đường quốc lộ. A Chinh bảo, dịp này nhiều khách đi Mù Cang Chải xem ruộng bậc thang, mình chịu khó ngồi đây bán hàng, tuy vất vả một tý, nhưng giá được cao hơn đem bán đổ cho thương lái. Chỉ tay vào những tải táo trước mặt, anh Chinh cho biết, loại quả to, đẹp thì bán khoảng 20.000 đồng/kg. Quả nhỏ hơn, mã xấu hơn thì có giá rẻ hơn, khoảng 15.000 đồng/kg. Tôi hỏi anh, táo năm nay có được mùa, được giá không. Anh Chinh cho biết, năm nay bị mưa đá, nên táo không đẹp, năng suất cũng không bằng năm trước, giá bán lại rẻ hơn. Nhưng với hơn 2 ha cây đã cho thu hoạch, mùa này, gia đình anh cũng thu về khoảng 60 triệu đồng.

Những ai đã từng lên Mù Cang Chải cách đây hơn chục năm, chắc chắn biết, từ khoảng năm 2005 trở về trước, mỗi cân quả sơn tra chỉ bán được với giá từ 1.000 - 2.000 đồng, mà cũng chẳng có mấy người mua. Còn hiện nay, giá sơn tra trung bình từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thời điểm cuối mùa, giá có khi lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Cây “đa mục đích”

Ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, cho biết, không chỉ là cây trồng xóa đói giảm nghèo, sơn tra hiện còn là một trong những loại cây trồng đa mục đích, với rất nhiều lợi thế, đang được huyện Mù Cang Chải khuyến khích nhân dân trong vùng phát triển.

Cây sơn tra (còn gọi là cây táo mèo, tiếng Mông gọi là cây tu di) đang dần được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là một đặc sản quý của Mù Cang Chải.

Theo ông Lê Trọng Khang, từ lâu, cây sơn tra đã được lựa chọn, đưa vào kế hoạch trồng rừng hàng năm trong quá trình thực hiện dự án trồng rừng 327, sau đó là 661. Đặc biệt, từ những năm 2000-2005, lãnh đạo huyện nhận thấy sơn tra là cây trồng có nhiều lợi thế, hơn hẳn các loại cây trồng khác, nên đã có kế hoạch phát triển trên diện rộng. Cụ thể, cây sơn tra có tán lá rộng, rễ bám sâu trong lòng đất, có tác dụng rất tốt trong việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ rừng, giữ đất, kể cả với rừng phòng hộ. Đây cũng là loại cây trồng có thể chống chọi được với giá rét, không dễ bị chết khi gặp băng tuyết, thích hợp trồng trong tự nhiên. Ngoài tác dụng bảo vệ rừng, sơn tra còn mang lại giá trị kinh tế cao.

Vào mùa hoa, có thể nuôi ong lấy mật. Quả sơn tra là đặc sản của Mù Cang Chải, được người tiêu dùng đánh giá cao. Quả sơn tra có thể làm nước giải khát. Trong đông y, sơn tra là một vị thuốc quý có tác dụng tiêu thực, chữa đầy bụng, ợ chua, cầm tiêu chảy, cải thiện sức co bóp của tim, giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây ra...


So với những loại cây trồng khác, sơn tra còn một lợi thế rất lớn trong bảo quản sau thu hoạch. Trong điều kiện bình thường, quả có thể giữ tươi được 1-2 tuần, mang đi mang về ít bị hư, dập. Nếu quả tươi không bán được, bà con có thể băm ra, phơi khô, đóng vào túi, sẽ giữ được lâu hơn… Và trong điều kiện mà công tác bảo quản còn nhiều khó khăn, bất cập như hiện nay, quả sơn tra có một lợi thế mà ít loại trái cây nào có thể có được.

Theo ước tính, năm 2016 này, Mù Cang Chải thu hoạch khoảng 2.500 tấn quả sơn tra. Với giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng/kg, số sơn tra này mang lại khoản thu nhập lớn cho người dân trong vùng. Và con số này sẽ tăng dần theo những năm sau, khi những diện tích sơn tra đang trồng tiếp tục cho quả.

Quả thực, với những lợi thế rất lớn, cây sơn tra đang trở thành một loại cây đem lại giá trị về nhiều mặt cho người dân địa phương. Xác định sơn tra là cây trồng đặc sản của Mù Cang Chải, huyện đã làm hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu quả sơn tra ở Mù Cang Chải, để người tiêu dùng nhận biết và tiêu thụ đúng sản phẩm của sơn tra Mù Cang Chải.

Theo ông Lê Trọng Khang, toàn huyện Mù Cang Chải hiện có khoảng trên 2.000 ha sơn tra, tập trung ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo… Theo quy hoạch, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới thêm khoảng 3.000 - 3.500 ha, phấn đấu đến năm 2020, đưa tổng diện tích sơn tra toàn huyện lên khoảng 6.000 ha. “Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ bà con trồng cây sơn tra, huyện Mù Cang Chải cũng tăng cường hướng dẫn bà con kỹ thuật thu hái quả đúng thời điểm, rồi đóng gói bao bì sao cho không bị dập trong quá trình vận chuyển… đồng thời, hướng dẫn các hộ chăm sóc để kéo dài thời gian lưu quả trên cây để nâng cao giá trị kinh tế cho loại cây đặc sản này”, ông Lê Trọng Khang cho biết.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án “Phát triển cây sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu trồng mới 6.200 ha sơn tra, để đến năm 2020 diện tích sơn tra toàn tỉnh đạt khoảng 10.000 ha, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác nhận khoán bảo vệ rừng, hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm.




Bài và ảnh: Lan Lộc
 Cây sơn tra: Hướng thoát nghèo ở Mù Cang Chải
Cây sơn tra: Hướng thoát nghèo ở Mù Cang Chải

Hai năm nay, nhờ giá liên tục tăng gấp 4-5 lần những năm trước, dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cây sơn tra (hay còn gọi là cây táo mèo) đã góp phần không nhỏ giúp đồng bào dân tộc Mông vùng cao huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) thoát nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN