'Kìn kìn' thuốc lá lậu qua biên giới Tây Nam

Không phải là thời điểm cuối năm nhưng “chảo lửa” buôn lậu tại khu vực biên giới Tây Nam vẫn luôn nóng cả ngày lẫn đêm. Mặc cho các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra kiểm soát, nhưng với những thủ đoạn tinh vi, che mắt cán bộ, hàng ngàn bao thuốc lá được ngụy trang vẫn ngang nhiên đưa qua cửa khẩu dưới mọi hình thức.

Thuốc lá ngoại nhập lậu được giấu trong xe máy bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ. Ảnh: Huỳnh Kim Phượng/TTXVN

Không chỉ khó khăn về nhân lực, phương tiện chống buôn lậu mà ngay cả các quy định pháp luật cũng đang chồng chéo khiến cho việc chống buôn lậu vẫn khó khăn.

Khó khăn đeo đẳng


Trên Quốc lộ 91, đoạn qua thị trấn Châu Đốc, tỉnh An Giang, từng tốp từ 5 đến 7 xe vẫn kìn kìn vận chuyển thuốc lá lậu cả ngày lẫn đêm.

Ông Lý Kế Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang cho biết, giới buôn lậu ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều nhóm còn ngang nhiên thách thức lực lượng chức năng.

Theo chân các chiến sĩ biên phòng tỉnh An Giang trong đêm gác trực, chúng tôi mới chứng kiến tận mắt những khó khăn mà các lực lượng nơi biên giới phải đối mặt hàng ngày.

Trước mặt chúng tôi khoảng cách cứ vài trăm mét lại có một tốp ôm xe cảnh giới về sự xuất hiện của những xe lạ. Nhưng chỉ vài phút sau khi lực lượng chức năng rút quân khỏi hiện trường, thì thuốc lá lậu lại tiếp tục lại được tuồn vào biên giới.

Theo ông Lý Kế Tùng: Mặc dù tại các đơn vị đều có lực lượng chuyên trách, nhưng chủ yếu tập trung đánh án về ma túy, còn với thuốc lá lậu thì chưa có.

Nguyên nhân do biên chế nhân sự bố trí về cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu vẫn ít và còn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hơn nữa, phương tiện phục vụ chống buôn lậu của các đơn vị rất hạn chế mà đối tượng buôn lậu thì manh động, phương tiện đa dạng khiến việc chống buôn lậu chưa đạt hiệu quả cao.

Trên tuyến biên giới Tây Nam, An Giang được coi như thủ phủ để các ổ nhóm buôn lậu thuốc lá hoành hành. Chỉ ra những khó khăn trong công tác này, ông Phan Lợi Chi cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho hay, do có đường biên giới giáp Campuchia dài, kèm theo địa hình bằng phẳng, có nhiều sông và kênh rạch là điều kiện thuận lợi cho các ổ nhóm buôn lậu qua lại cả mùa khô và mùa nước nổi.

Hơn 313.000 bao thuốc lá nhập lậu đã bị thu giữ tại kho của Chi cục quản lý thị trưởng tỉnh An Giang. Điều đáng nói là số thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ này chỉ trong vòng 4 tháng, từ tháng 12/2016 đến giữa tháng 3/2017 và con số này đã tăng hơn 10% so với năm 2016.

Lý giải cho tình trạng này, đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An cho rằng buôn lậu thuốc lá mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương nên có sức hút. Bên cạnh việc tăng chế tài xử phạt thì giải pháp lâu dài, căn cơ nhất vẫn là việc làm để tạo thu nhập cho người dân sống ở vùng biên giới với nước bạn Campuchia.

Cùng với đó, một vướng mắc nữa đó là sự vênh nhau của các luật hiện hành. Theo Luật Thương mại thì thuốc lá là mặt hàng cấm, trong khi theo Luật Đầu tư thì đây là ngành kinh doanh có điều kiện nên không thể truy cứu hình sự người buôn bán thuốc lá lậu. Chính vì vướng mắc này nên nhiều vụ việc chuyển từ quản lý thị trường qua cho cơ quan công an vẫn đang phải chờ hướng dẫn mới xem xét truy tố được.

Theo ông Nguyễn Nhật Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nhấn mạnh: So với những năm trước đây, năm 2016 công tác chống buôn lậu đang có dấu hiệu chùng xuống. Điều này thể hiện qua việc số lượng đối tượng bị bắt giữ và xử lý hình sự giảm tới 53,5%. Cùng đó, số vụ bị bắt giữ và xử lý hình sự cũng giảm 58,9% và lượng tăng vật bị bắt giữ tiêu hủy giảm hơn 30% so với năm 2015.

Còn theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, công tác chống buôn lậu thuốc lá không thể dẹp yên trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, để tồn tại tình trạng như hiện nay là do sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến buôn lậu thuốc lá.

Đây cũng là một trong những mắt xích khiến cho dân buôn lậu tìm cách lách luật và trở nên “nhờn thuốc”.

Hơn nữa, lợi dụng những kẽ hở từ những chính sách cũng như công tác thực thi, giới buôn lậu đã tìm cách câu kết với dân bản địa để vận chuyển thuốc lá xuyên biên giới do tuyến đường Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng như Campuchia, Lào và Trung Quốc rất dài. Do vậy, rất khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển “qua biên giới”.

Huy động sức mạnh

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu chạy bạt mạng trên đường Tỉnh lộ 825, đoạn qua xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tình hình buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam trong những tháng tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu, lợi nhuận từ hoạt động buôn lậu vẫn còn khá lớn và những vướng mắc trong công tác kiểm tra, xử lý chưa được giải quyết kịp thời và tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu.

Bên cạnh 7 kiến nghị vừa được Hiệp hội Thuốc lá đưa ra mới đây, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho rằng: Để lùi vấn nạn này, ngay từ các địa phương cũng phải chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp rà soát các điểm kinh doanh thuốc lá điếu trên địa bàn để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với các đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh thuốc lá nhập lậu.

Xác định chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm, theo ông Phan Lợi, từ nay đến cuối năm lực lượng quản lý thị trường tỉnh An Giang sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu biên giới, cửa khẩu hàng không, bến xe… các điểm nóng về buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Để huy động sức mạnh tổng hợp, không chỉ riêng An Giang, mà toàn bộ các tỉnh nằm trên cung đường giới buôn lậu hoạt động mạnh tại tuyến biên giới Tây Nam, đã họp bàn và thống nhất việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới để phát hiện và xử lý kịp thời.

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, Chi cục sẽ thường xuyên trao đổi thông tin nắm tình hình với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý, để có kế hoạch phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu tại khu vực biên giới. Cùng đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cư dân khu vực biên giới không tiếp tay vận chuyển hàng lậu, tàng trữ, mua bán thuốc lá điếu.

Ông Trương Văn Ba, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, để dẹp yên vấn nạn này, Ban chỉ đạo 389 đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng tăng cường điều tra, trinh sát nắm tình hình, xác lập các chuyên án. Mặt khác, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu buôn lậu để khởi tố, truy tố trước pháp luật.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo 389 cũng đề nghị lực lượng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Cảnh sát Đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuần tra, tập trung xử lý các đối tượng vận chuyển thuốc lá bằng xe gắn máy 2 bánh chạy với tốc độ cao trên tuyến Quốc lộ 91 từ thành phố Châu Đốc về Long Xuyên. Phối hợp với các ngành chức năng có biện pháp tuyên truyền giáo dục, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các đối tượng thường xuyên tham gia buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá.

Bộ Công Thương cũng đã xây dựng chương trình tuyên truyền để người tiêu dùng quay lưng với thuốc lá lậu. Với những giải pháp mạnh tay cùng những chế tài xử phạt đủ sức răn đe, hy vọng đây là cơ sở để lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Trần Trung (TTXVN)
Buôn lậu thuốc lá manh động, tấn công lực lượng chức năng
Buôn lậu thuốc lá manh động, tấn công lực lượng chức năng

Tình hình buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu nóng trở lại sau một thời gian tạm lắng. Đối tượng buôn lậu, vận chuyển công khai, manh động và thách thức lực lượng chức năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN