Kết luận vụ đất rừng An Khê biến thành đất sản xuất

Có hơn 2.000 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý của 2 Ban quản lý rừng phong hộ Bắc An Khê và Ya Hội bị người dân lấn chiếm biến thành đất sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Gia Lai về việc kiểm tra, tham mưu đề xuất xử lý việc lấn chiếm đất rừng trên địa bàn thị xã An Khê, đoàn kiểm tra gồm Chi cục Kiểm lâm phối hợp với thị xã An Khê và các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra thực tế hiện trường. Qua kiểm tra đã kết luận có hơn 2.000 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý của 2 Ban quản lý rừng phong hộ Bắc An Khê và Ya Hội bị người dân lấn chiếm biến thành đất sản xuất.

Cụ thể, Ban quản lý rừng phong hộ Bắc An Khê để mất hơn 1.260 ha đất rừng, trong đó hơn 211 ha rừng tự nhiên, gần 220 ha rừng trồng, hơn 365 ha đất trồng rừng và hơn 470 ha đất cho thuê trồng rừng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy MDF. Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội để mất hơn 770 ha, trong đó hơn 67 ha rừng tự nhiên, hơn 113 ha rừng trồng và hơn 590 ha đất không có rừng. Đoàn kiểm tra đã xác định được 489 hộ dân chiếm dụng hơn 1.340 ha, diện tích đất rừng còn lại chưa tìm ra được đối tượng lấn chiếm.

Kết luận kiểm tra nêu rõ, việc một diện tích rừng lớn bị lấn chiếm trong một thời gian dài là do 2 Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện và có biện pháp thu hồi. Liên quan đến vụ việc này, trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị chủ rừng và người đứng đầu các đơn vị này.

Nhiều diện tích đất là nương rẫy cũ của người dân đã canh tác lâu đời nhưng trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đơn vị chủ rừng đã không bóc tách ra khỏi lâm phần quản lý dẫn đến tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Trong quá trình triển khai dự án trồng rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy MDF, đơn vị chủ rừng khi tiến hành hợp đồng hợp tác trồng rừng với các hộ dân đã thực hiện không rõ ràng, chặt chẽ, xác định không đúng nguồn gốc đất dẫn đến sau khi kết thúc hợp đồng không tiến hành chấm dứt hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới, đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân cơ hội tự ý lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong khi công tác phối kết hợp trong xử lý các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng của các cơ quan chức năng còn hạn chế, chưa có tính răn đe cao nên các cá nhân phá rừng vẫn ngang nhiên sử dụng phần diện tích đất lấn chiếm trái phép trong một thời gian dài mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào.

Như Báo Tin Tức đã đưa tin, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có hơn 2.500 ha đất lâm nghiệp thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội. Nhiều năm qua, bất chấp sự quản lý của ngành chức năng, hơn 1.700 ha đất rừng vô tư biến thành đất sản xuất của người dân mà không có một biện pháp cứng rắn nào để ngăn chặn.

Việc các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai vào cuộc tiến hành kiểm tra và xác định đã có hơn 2.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép trên địa bàn thị xã An Khê. Vụ việc đã rõ, tỉnh Gia Lai cần sớm giải quyết rốt ráo, xử lý trách nhiệm đúng người, đúng việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)
Cần làm rõ 1.700 ha đất lâm nghiệp ở An Khê biến thành đất sản xuất
Cần làm rõ 1.700 ha đất lâm nghiệp ở An Khê biến thành đất sản xuất

Nhiều năm qua, bất chấp sự quản lý của ngành chức năng, hơn 1.700 ha đất rừng ở thị xã An Khê đã biến thành đất sản xuất của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN