Huyền Sơn vào mùa na chín

Cuối hạ, sang thu, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), nơi được mệnh danh là “thủ phủ na dai” vào mùa thu hoạch. Từ nhiều năm nay, cây na đã trở thành cây phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân vùng bán sơn địa này.

Được mùa, được giá 

Chúng tôi đến xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam vào một ngày giữa tháng 8, đúng thời điểm na đang chín rộ. Người người, nhà nhà đều bận rộn với việc thu hái na, mặc dù vất vả, nhưng gương mặt ai cũng rạng ngời, bởi na năm nay được mùa, lại được giá, không phụ công người trồng. 

Với giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, nhiều hộ trồng na ở Huyền Sơn có thu nhập cả trăm triệu đồng trong vụ na 2017.

Đến thăm vườn na của gia đình ông Phương Minh Hiến, bà Phạm Thị Lương, thôn Khuyên, xã Huyền Sơn khi vợ chồng ông đang bận rộn thu hái na để đóng hàng gửi cho khách. Ông Hiến cho biết, với khoảng 2 mẫu na, gia đình ông là một trong những hộ có diện tích na khá lớn trong xã. Từ đầu vụ đến nay, vườn na nhà ông đã thu được khoảng 3 tấn quả, dự kiến sẽ thu khoảng 3 tấn nữa từ nay đến cuối vụ. Với giá bán trung bình từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, gia đình ông thu về khoảng 200 triệu đồng. 

Ngoài những trái chín đang được thu hái, trên những cây na trong vườn nhà ông, một lứa na khác đang ra quả, lứa na này bà con còn gọi là na vụ 2, đang được gia đình ông chăm sóc. Đây là lứa na cuối vụ được kích nảy mầm và ra quả từ thân cây. Ông Hiến cho biết, vụ na 2 khó làm, nhưng quả sẽ to hơn, vì quả mọc từ thân cây, và chất lượng cũng ngon hơn do cuối mùa, có gió heo may về, na ít nước nhưng ngọt đậm, bán cũng được giá hơn. Ông Hiến ước tính, sản lượng na vụ 2 của gia đình ông cũng khoảng 4 - 5 tấn quả. 

Nhìn cơ ngơi khang trang, rộng rãi của gia đình ông Hiến, bà Lương, có thể thấy, thu nhập từ cây na những năm qua đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập cao và ổn định. “Từ nhiều năm nay, gia đình tôi hầu như chỉ trông chờ vào thu nhập từ vườn na này. Từ xây dựng nhà cửa, nuôi 3 con ăn học đại học, chăm sóc bố mẹ già... tất cả đều nhờ thu nhập từ cây na”, bà Phạm Thị Lương chia sẻ. 

Không chỉ gia đình ông Hiến, bà Lương, mà nhiều hộ gia đình khác ở Huyền Sơn, cũng đều khá giả nhờ cây na, như gia đình ông Trình, gia đình bà Hằng, bà Hạnh... Nguồn thu từ na giúp đời sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt. Đường làng được cứng hóa, phong quang sạch sẽ. Những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại nổi bật giữa đồi na xanh ngắt, tạo nên một Huyền Sơn trù phú, nhưng cũng rất yên bình. 

Huyền Sơn những ngày này luôn nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Từ sáng sớm, trên các ngả đường dẫn vào các thôn, bà con tấp nập, gồng gánh mang na xuống chợ. Nhà ít có vài chục cân, nhà nhiều có đến cả tạ phải dùng xe cải tiến để chở na xuống chợ bán. Các thương lái khắp nơi tập trung đến tận thôn, xóm mua hàng, đóng thùng, rồi đưa lên xe tải. Quả na dai Huyền Sơn từ đây được đưa đến các tỉnh, thành Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Vinh, Hà Tĩnh, Huế... 

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Trinh, thôn Giếng Giang, xã Huyền Sơn tại điểm thu mua na ở Huyền Sơn. Phấn khởi vì vừa bán được na giá cao, bà Trinh cho biết, nhà bà có 5 sào na, từ đầu mùa đến giờ, cũng bán được vài chục triệu đồng. “Giá na năm nay cao hơn năm ngoái, nên những người trồng na như chúng tôi cũng vui hơn”, bà Trinh vui vẻ cho hay. 

Chị Thơm, chủ một điểm thu mua na ở Huyền Sơn cho biết, đang mùa na chín rộ, trung bình mỗi ngày chị thu mua khoảng 2 - 3 tấn na, các thương lái đến và mang na đi nhiều vùng, miền khác nhau, nhưng chủ yếu là khách quen ở Hà Nội... Vừa bận rộn chuyển na lên xe ô tô, anh Thân Văn Luận, một thương lái cho biết, ngày nào anh cũng đến Huyền Sơn mua khoảng 1 tấn na mang đi tiêu thụ. “Na ở Huyền Sơn ngon, mẫu mã đẹp, để 2 - 3 ngày quả na vẫn trắng, không bị thâm đen như na ở một số nơi khác, nên dù giá có cao hơn na ở những nơi khác, nhưng khách hàng của tôi vẫn thích mua Huyền Sơn”, anh Luận cho biết. 

Những người trồng na có kinh nghiệm ở Huyền Sơn cho biết, na trồng nơi đây ăn vừa ngon, mẫu mã lại đẹp có lẽ liên quan đến chất đất. Đất Huyền Sơn nằm dưới chân núi Gốm, là chất đất thịt đen rất đặc biệt, mà người dân vẫn gọi là đất mùn giun, vì có rất nhiều giun làm tơi xốp đất. Chính vì vậy, mà chất lượng na trồng ở Huyền Sơn được đánh giá là ngon nhất trong huyện Lục Nam. Quả na trồng ở đây vừa to, lại chắc quả, ăn rất ngọt, thơm, khiến cho người tiêu dùng yêu thích. 

Quả ngọt mang lại ấm no 


Nói về nguồn gốc cây na ở Huyền Sơn, ông Bùi Văn Quang, Giám đốc HTX na dai Lục Nam cho biết: Cây na được trồng ở Huyền Sơn từ rất lâu rồi, ban đầu mới chỉ là một số gia đình trồng để ăn chơi, không ăn hết thì mang ra chợ bán để mua đồng quà, tấm bánh. Đến khoảng những năm 1987 - 1988, nhiều người được ăn, thấy giống na ngon, họ lặn lội lên tận Huyền Sơn đặt vườn. Quả na dai Huyền Sơn bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội. Những năm 1990 trở về đây, người dân Huyền Sơn bắt đầu phát triển thêm diện tích trồng na, sau khi đã trồng nhiều cây ăn quả khác không hiệu quả. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương.

Theo ông Bùi Văn Quang, cây na có ưu điểm là không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết, nên ít bị mất mùa như nhiều loại cây ăn quả khác. Tuy nhiên, những năm trước người dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc na, năng suất na chưa cao, quả lại chín rộ trong một khoảng thời gian ngắn, nên hiệu quả kinh tế thấp. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc, người trồng na ở Huyền Sơn đã tìm ra cách chăm sóc để cho na ra sai quả. Đặc biệt, kỹ thuật khống chế để cho na ra trái vụ, kéo dài vụ na từ 1 tháng rưỡi lên đến 4 tháng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Xã Huyền Sơn có khoảng 120 ha trồng na, tập trung tại các thôn Văn Giang, Giếng Giang, thôn Khuyên... Mỗi năm toàn xã thu khoảng 30 tỷ đồng từ na. Nhờ có cây na mà đời sống của người dân Huyền Sơn mấy năm gần đây thay đổi từng ngày.


Chia sẻ về kinh nghiệm cho na ra trái vụ, những người trồng na có kinh nghiệm ở Huyền Sơn cho biết, một mặt, họ thường xuyên cắt tỉa cành na cho thấp, để tiện cho việc thụ phấn, thu hoạch. Vào đầu mùa, các hộ gia đình tập trung thụ phấn và thu hoạch quả na ở đầu cành. Đến giữa mùa, họ cắt đi những cành chưa có quả, từ nơi bị cắt, cây na sẽ nảy mầm, và ra hoa đợt tiếp theo. Khi có hoa đợt mới, người trồng na lại tỉ mỉ thụ phấn cho từng bông hoa. Và thế, na lại tiếp tục cho một lứa quả mới. “Cây na càng khỏe, cho quả càng nhiều. Chính vì vậy, giữa hai vụ na gối nhau, cần phải bón một đợt phân gà ủ mục, để nuôi dưỡng cây na cho khỏe’’, ông Phương Minh Hiến, một người có kinh nghiệm lâu năm trồng na cho biết. 

Đại diện lãnh đạo xã Huyền Sơn cho biết, nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế ổn định từ cây na, Đảng ủy xã có nghị quyết định hướng nhân rộng diện tích cây trồng này ở những địa hình phù hợp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, giúp nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, xã cũng quy hoạch một khu chợ, để giúp bà con tiêu thụ na thuận lợi. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích bà con lựa chọn hàng tốt, đảm bảo chất lượng ra chợ, để gìn giữ uy tín của thương hiệu na dai Huyền Sơn. 

Có giống na ngon, có kỹ thuật chăm tốt, na Huyền Sơn đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân Huyền Sơn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của những người trồng na ở Huyền Sơn là: Na trồng nhiều, năng suất cao, nhưng na bán ra thị trường hiện nay đều do người dân tự mang đi bán, phụ thuộc hoàn toàn vào các tiểu thương và khâu trung gian đưa na đi các nơi. Không có đầu ra ổn định, người trồng na cũng rất thấp thỏm. “Mong muốn lớn nhất của người nông dân chúng tôi là làm sao để đầu ra của sản phẩm được ổn định, để người dân không thấp thỏm với nỗi lo được mùa, mất giá, là chúng tôi yên tâm lắm”, bà Phạm Thị Lương cho biết.

Bài và ảnh: Lan Lộc/Báo Tin Tức
Nhộn nhịp mùa na trên đất vùng cao La Hiên
Nhộn nhịp mùa na trên đất vùng cao La Hiên

Những ngày này, hai bên đường Quốc lộ 1B đoạn qua xã La Hiên (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên), những gánh, bàn, quầy tạm giới thiệu đặc sản na dai địa phương mọc lên san sát, kéo dài cả cây số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN