Gian nan giữ rừng Mường Nhé

Các tổ công tác, mà nòng cốt là lực lượng công an huyện Mường Nhé (Điện Biên)đang ngày đêm leo rừng, băng suối, ăn ngủ tại bản ngăn chặn không để ngăn chặn các đối tượng phá rừng trái phép.


Những kết quả đáng mừng

Ngày 1/3/2017, Kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên) được thực hiện với nòng cốt là lực lượng Công an tỉnh Điện Biên. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch ở huyện Mường Nhé. Công an tỉnh Điện Biên đã phân công lực lượng thành 7 tổ công tác trực tiếp phụ trách địa bàn 11 xã và trung tâm huyện. Hằng ngày, thành viên các tổ công tác ăn ngủ tại bản, leo rừng băng suối ngăn chặn không để các đối tượng phá rừng trái phép.

Người dân ký Bản cam kết không phá rừng và di cư tự do tại xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tại một buổi họp dân tại điểm bản Si Ma 2, xã Chung Chải (Mường Nhé) với 59/59 hộ dân trong bản tham dự, hầu hết người dân đều nhất trí với nội dung tuyên truyền của tổ công tác là không phá rừng và ngăn chặn dân di cư ngoài kế hoạch đến địa bàn. Tổ công tác cũng đã tiến hành phát tờ rơi bằng tiếng Việt và tiếng Mông về quy định bảo vệ rừng và vấn đề di cư ngoài kế hoạch; trong đó quy định rõ những việc được làm và không được làm đối với quản lý bảo vệ rừng và di cư. Tại buổi họp dân, hầu hết các hộ dân đã tham gia ký cam kết thực hiện các quy định của nhà nước với xác nhận của Trưởng bản.

Anh Vừ Phá Chí, Trưởng bản Si Ma 2, xã Chung Chải cho biết: Được tổ công tác tuyên truyền, người dân nhận thức được việc bảo vệ rừng là rất cần thiết. Từ nay, bà con trong bản sẽ không để người di cư ngoài kế hoạch vào bản, không tham gia phá rừng. Hiện nay, còn một số ít hộ chưa chấp nhận ký vào cam kết, trưởng bản sẽ có trách nhiệm vận động các hộ ký cam kết bảo vệ rừng và ngăn dân di cư.

Đại úy Lò Văn Quân, Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Địa bàn xã Chung Chải là một trong những điểm nóng của huyện Mường Nhé về tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch.Trong vòng 1 tháng qua, Tổ công tác Chung Chải đã bắt quả tang 3 vụ với 3 đối tượng có hành vi phá rừng, thu 20 khẩu súng tự chế; đưa 3 hộ, 9 khẩu di cư ngoài kế hoạch về nơi ở cũ. Từ lúc Tổ công tác lên cắm tại địa bàn đến nay đã không xảy ra tình trạng phá rừng nữa. Tổ công tác vẫn tích cực tuyên truyền vận động người dân ký cam kết không phá rừng và ngăn chặn dân di cư, hầu hết người dân đều đồng tình ủng hộ kế hoạch.

Còn nhiều gian nan

Đóng quân tại điểm nóng nhất của tình trạng phá rừng và di cư ngoài kế hoạch ở Mường Nhé là xã Leng Su Sìn, các cán bộ, chiến sĩ của tổ công tác gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Hằng ngày, các thành viên tổ công tác băng suối, leo núi để đến những điểm mà các đối tượng khai thác rừng trái phép, đến các bản tuyên truyền người dân ký cam kết không phá rừng, không để người di cư đến bản.

Lội qua một con suối, băng qua mấy quả đồi, các thành viên trong tổ công tác dẫn các phóng viên đến một điểm rừng bị phá tại bản A Di, xã Leng Su Sìn. Hiện trường rừng ngổn ngang những gốc cây mới bị đốn bằng cưa máy, những thân cây, cành cây nằm la liệt, có gốc cây một người ôm không xuể.

Trung tá Lâm Quốc Phương, Công an tỉnh Điện Biên, Tổ phó phụ trách địa bàn xã Leng Su Sìn cho biết: Đây là 6.000 m2 rừng do một đối tượng phá. Chỉ bằng cưa máy và búa, trong vòng 4 - 5 ngày một đối tượng có thể phá chừng ấy diện tích rừng.

Trung tá Phương cho biết thêm, ở Mường Nhé, hầu hết các đối tượng phá rừng không phải để lấy gỗ, đối tượng dùng cưa máy và búa đốn hạ những thân gỗ nằm la liệt trong rừng chờ cho đến khi thân cây khô thì thắp lửa đốt để lấy đất trống làm lúa nương 1 vụ. Sau khoảng 2- 3 vụ lúa nương, đất đai không được bón phân hay cải tạo trở nên xấu, các đối tượng lại bỏ lại mảnh đồi này và đi tìm khu rừng khác để đốn hạ cây lấy đất trồng lúa nương. Cứ theo cách đó, không biết bao nhiêu rừng ở Mường Nhé đã bị các đối tượng phá trái phép chỉ để lấy đất làm nương.

Theo lực lượng chức năng, càng ngày các đối tượng phá rừng trái phép càng hoạt động tinh vi hơn. Nhiều đối tượng dùng cưa máy chỉ cưa 2/3 thân cây trong rừng chứ không cắt lìa gốc, chờ khi trời gió to cả khu rừng tự gãy đổ. Bởi vậy, lực lượng chức năng không phát hiện được và đến khi cây rừng đổ cũng khó biết chính xác đối tượng nào là kẻ đã phá rừng. Nhiều đối tượng còn liều lĩnh bán cả quả đồi với giá…vài triệu đồng. Đến khi lực lượng chức năng bắt đối tượng phá rừng thì họ lại nói rằng đã mua quả đồi này nên có quyền chặt cây. Nhiều đối tượng còn có hành vi chống đối lực lượng chức năng.

Chẳng hạn, vào lúc 21 giờ ngày 4/3, Tổ công tác ở xã Leng Su Sìn phát hiện 2 đối tượng dùng cưa máy khai thác rừng trái phép ở địa phận bản A Di. Tổ đã huy động lực lượng lên rừng vây bắt 2 đối tượng. Thế nhưng, tại hiện trường rừng đang bị phá, đối tượng Vừ A Vư (sinh năm 1979), mới di cư đến bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn) đã dùng cưa máy chĩa vào lực lượng chức năng để chống trả và tỏ thái độ không hợp tác rồi bỏ trốn. Tổ công tác sau đó đã vận động đối tượng đến khai báo về hành vi phá rừng với tổng diện tích gần 13.000m2 rừng bị phá.

Các cây to cũng bị đốn hạ để lấy diện tích làm nương tại bản A Di, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cao điểm là sự việc xảy ra chiều 19/3, sau khi có đủ bằng chứng để triệu tập đối tượng Vàng A Di (sinh năm 1994), trú tại bản Cà Là Pá, Leng Su Sìn về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép, hành vi phá rừng trên 5.000 m2 trong năm 2017, Tổ công tác triệu tập đối tượng lên UBND xã làm việc, đối tượng không chấp hành và ra yêu sách phải làm việc ở nhà trưởng bản Cà Là Pá.

Tại buổi làm việc, đối tượng đã thừa nhận hành vi phá rừng và tàng trữ vũ khí của mình. Tuy nhiên khi Tổ công tác yêu cầu đối tượng ký biên bản thì đối tượng lại kiên quyết không ký. Khi Tổ công tác rút về, nhiều người dân ở bản bao vây không cho cán bộ của tổ ra khỏi khu vực này. Một số đối tượng còn rút chìa khóa xe máy của thành viên tổ công tác và hành hung thành viên tổ công tác...

Các đối tượng còn đe dọa nếu đối tượng Vàng A Di bị bắt thì các đối tượng sẽ tìm 2 chiến sĩ Mùa A Dua và Vừ A Minh để xử lý vì cả 2 chiến sĩ này đều là người dân tộc Mông.


Quyết tâm giữ rừng

Sau 1 tháng triển khai kế hoạch, các Tổ công tác đã tổ chức 118 cuộc họp dân với 4.442 người tham gia; phát 2.784 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức cho 4.343 hộ ký cam kết không di cư ngoài kế hoạch, không phá rừng trái phép. Qua rà soát cho thấy, số dân di cư mới vào địa bàn năm 2017 là 31 hộ, 109 khẩu. Hiện, các tổ công tác đã vận động bố trí phương tiện đưa về nơi cư trú cũ 25 hộ, 79 nhân khẩu.

Những cánh rừng sẽ dần biến mất nếu không được bảo vệ (ảnh chụp tại xã Chung Chải). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Qua điều tra, rà soát, các tổ công tác đã phát hiện 49 vụ, 76 đối tượng có hành vi hủy hoại rừng với tổng diện tích rừng bị phá là 271.982 m2. Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố 15 vụ, 16 bị can có hành vi hủy hoại 128.308 m2 rừng; xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 14 đối tượng; đang tiến hành điều tra, xác minh 21 vụ.

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Cần ngăn chặn triệt để tình trạng di cư ngoài kế hoạch vào huyện Mường Nhé. Bởi vì, tình trạng phá rừng ở Mường Nhé nguyên nhân chính là dân di cư. Do người dân di cư vào đây không có đất, không có nhà đã phá rừng. Trong thời gian tới, Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo các Tổ công tác tiếp tục rà soát số dân di cư vào Mường Nhé để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có phương án giải quyết.

Đối với những hộ dân di cư vào từ nhiều năm, họ đã có nhà ở và đất canh tác, cơ quan chức năng sẽ triển khai cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân để người dân an tâm sản xuất; phát hiện, vận động và kiên quyết đưa về nơi ở cũ đối với số dân di cư ngoài kế hoạch mới vào địa bàn huyện.

Lãnh đạo Công an tỉnh Điện Biên cũng cho biết: Thời gian tới, lực lượng chuyên môn sẽ tiếp tục rà soát và kiểm đếm, phân loại 3 loại rừng (rừng phòng hộ, sản xuất và đặc dụng) trên địa bàn huyện Mường Nhé, bổ sung những khu rừng không nằm trong 3 loại rừng này vào danh sách để tiếp tục khoanh nuôi, bảo vệ, giao cho người dân quản lý. Đối với những khu rừng mà người dân đã phá, sẽ tiếp tục đề xuất trồng rừng và có những chính sách cho người dân để bà con tích cực tham gia trồng rừng.

Bên cạnh đó, các Tổ công tác tiếp tục tổ chức họp dân, ký cam kết, phát tờ rơi tuyên truyền vận động nhân dân không phá rừng và không di cư ngoài kế hoạch; kịp thời xử lý đối với những đối tượng hủy hoại rừng và có những biểu hiện cực đoan chống đối lực lượng chức năng. Các Tổ công tác tiếp tục cùng với chính quyền cơ sở giải quyết kịp thời bức xúc nảy sinh hay những nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Trịnh Xuân Tư (TTXVN)
Ngăn chặn hiệu quả dân di cư tự do ở huyện Mường Nhé
Ngăn chặn hiệu quả dân di cư tự do ở huyện Mường Nhé

Ngày 29/3, tại huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội nghị sơ kết một tháng thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN