Đua nhau hút cát trên sông Ba để bán ra ngoài tỉnh

Mấy ngày nay, trên sông Ba đoạn qua các xã Bình Ngọc (thành phố Tuy Hòa), xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) và xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), các mỏ cát hoạt động với công suất lớn.

Hàng trăm xe tải thi nhau chở cát khai thác được tập kết tại khu vực cảng Vũng Rô (huyện Đông Hòa) sau đó được chuyển lên những tàu lớn đang chờ sẵn để đưa vào miền Nam tiêu thụ.

11 mỏ cát được khai thác gần cầu Đà Rằng

Đoạn sông này nằm giữa hai cây cầu lớn là cầu Đà Rằng cũ (người dân hay gọi là cầu 21 nhịp qua Quốc lộ 1A cũ) và cầu Đà Rằng mới (qua đường tránh Quốc lộ 1A). Thế nhưng, giờ đây đứng từ trên cầu Đà Rằng (cũ) nghe dội vào tai là âm thanh của máy nổ trên các xà lan hút cát; những chiếc máy múc nhấp nhô lên xuống đưa cát vun thành đống lớn, bụi của đường đất bay mù mịt vì những chiếc xe tải nối đuôi nhau chạy vào mỏ lấy cát.

Ông Vũ Văn Nghĩa, nhân viên quản đốc mỏ cát của doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp xây dựng Hưng Thịnh (tại thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc) cho biết, doanh nghiệp thuê 2 máy hút cát từ dự án Khu đô thị Nam Tuy Hòa để hút cát dưới lòng sông lên bờ, còn việc đăng ký hoạt động tại khu vực này là chủ phương tiện tự đăng ký. Doanh nghiệp Hưng Thịnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cấp giấy phép khai thác cát, quy mô mỏ rộng khoảng 4 ha, trữ lượng gần 40.000 m3, thời hạn khai thác đến tháng 8/2019. Cát này chỉ phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Cách đó không xa, các mỏ cát khác tại xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa và xã Hòa An, huyện Phú Hòa cũng đang được hoạt động hết công suất. Đại diện của Doanh nghiệp Hưng Thịnh cho biết thêm, trong phạm vi này có tới 11 mỏ cát đang hoạt động khai thác.

Với 11 mỏ cát cùng khai thác trên đoạn sông gần vị trí cầu Đà Rằng (cũ) đang dấy lên lo ngại cho người dân khi cầu này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Hiện tại cầu được cảnh báo “cầu yếu” và chỉ giới hạn cho xe có tải trọng nhỏ hơn 2 tấn được phép lưu thông. Tỉnh Phú Yên đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây mới cây cầu này.

Lấy “rác” làm đường để vận chuyển cát


Để vận chuyển cát đi tiêu thụ được dễ dàng, các đơn vị khai thác ở đây đã làm đường kết nối từ những trục đường chính của thành phố Tuy Hòa và Quốc lộ 1A vào đến tận mỏ. Lòng sông Ba có hàng chục con đường lớn nhỏ. Nhiều chỗ gặp dòng chảy người ta còn “bắc cầu” cho xe chạy…

Vật liệu “làm đường” là các loại đá thải loại, gạch, bê tông từ các công trình xây dựng. Thậm chí còn có rác thải sinh hoạt, đệm ngủ bị rách, gỗ vụn… cũng được đổ dọc các “con đường” này.

Khi chúng tôi hỏi ai cho phép làm đường như vậy thì một người tên Thạnh của Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên cho hay: "Ở đây có nhiều đơn vị cùng đổ đường. Của công ty nào công ty ấy quản lý. Làm đường để vận chuyển cát cho khỏi lún. Sau này sẽ được dọn đi…"

Trước việc doanh nghiệp dùng các loại đá thải loại, gạch, bê tông để làm đường vận chuyển cát dưới lòng sông Ba, ông Nguyễn Chí Hiến, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Phú Yên) và các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra hiện trường; đối chiếu với các quy định của pháp luật về sự phù hợp của việc sử dụng vật liệu để thi công đường vận chuyển, tác động đến môi trường, dòng chảy…

Bán cát ra ngoài tỉnh


Trong khi chờ kiểm tra xem những “con đường” dưới lòng sông Ba được làm có đúng quy định hay không thì từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau chạy ra vào các mỏ cát ngay dưới chân cầu Đà Rằng. Có xe chỉ 1,5 tấn, có xe 3 tấn, thậm chí có cả những xe mà người ta hay gọi là “hổ vồ”…

Để làm rõ nguồn cát này được chở đi đâu, phóng viên TTXVN cùng các đồng nghiệp đã theo những xe tải chở cát trong nhiều ngày liền. Các xe tải chở cát này vận chuyển bằng hai tuyến đường. Tuyến thứ nhất theo Quốc lộ 1A, tuyến thứ hai theo đường Hùng Vương nối dài và tất cả đều tập trung tại khu vực cảng Vũng Rô. Ở đây, cát được vun thành những đống cao.

Ông Nguyễn Hồng Lộc, Trưởng Phòng Kế hoạch - Điều độ Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô, cho biết hiện có 5 doanh nghiệp thuê mặt bằng cảng để bốc dỡ cát lên tàu. Cụ thể là 4 doanh nghiệp ở thành phố Tuy Hòa gồm Công ty TNHH sản xuất cửa Châu Á, Công ty Tuấn Tú, Công ty TNHH phát triển giao thông Toàn Thịnh và Công ty TNHH Nam Hải; doanh nghiệp còn lại là Công ty cổ phần xây dựng U&I (trụ sở tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Trong số 5 công ty này mới chỉ có Công ty Tuấn Tú và Công ty Châu Á đã bán cát cho một đơn vị khác xuất vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với số lượng hơn 16.039 tấn. Trong đó, Công ty Tuấn Tú đã xuất bán hơn 12.203 tấn và Công ty Châu Á xuất bán hơn 3.835 tấn. Các doanh nghiệp còn lại mới tập kết cát vào cảng.

Việc khai thác cát vật liệu xây dựng thông thường để bán qua các tỉnh, thành phố khác cũng đã được ông Nguyễn Chí Hiến giao cho các cơ quan chức năng kiểm tra, có báo cáo tham mưu đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 13/6/2017.

Xuân Triệu (TTXVN)
Nhiều sai phạm trong khai thác cát tại Kon Tum
Nhiều sai phạm trong khai thác cát tại Kon Tum

Một năm qua, thay vì phải tiến hành hoàn thiện thủ tục xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, Hợp tác xã Tân Tiến lại triển khai bơm hút cát trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN