Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị - Bài cuối:

Các chuyên gia lên tiếng phản đối đề xuất hạn chế xe máy biển số ngoại tỉnh vào nội đô TP Hà Nội, còn các đơn vị tư vấn xây dựng đề án cho rằng đề xuất mới đang được lấy ý kiến, chưa phải chính thức.

 CÓ HẠN CHẾ ĐƯỢC XE MÁY NGOẠI TỈNH VÀO HÀ NỘI?

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố", trong đó có đặt ra lộ trình dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 - 19 giờ hàng ngày từ năm 2021. Nếu được thành phố thông qua, dự kiến đề án sẽ được phân công thực hiện cuối năm nay.

Nếu không sớm có giải pháp hạn chế xe cá nhân, giao thông Hà Nội sẽ vỡ trận. Ảnh: Việt Hùng - TTXVN

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô được chia theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần và các ngày lễ, Tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 - 19 giờ hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần. Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.

Trao đổi vấn đề này, không ít người dân không đồng tình, vì cho rằng có sự “phân biệt vùng miền”, “không công bằng với những người không có hộ khẩu Hà Nội”, “làm sao mà kiểm soát hoặc chứng minh được đâu là xe ngoại tỉnh và nội tỉnh”... Nhiều người dân kiến nghị, muốn hạn chế được xe cá nhân, Nhà nước cần phát triển mạnh giao thông công cộng hoàn chỉnh, đồng bộ trước, sau đó bổ sung mạng lưới xe buýt tiện dụng, phủ sóng rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Lúc đó không cần cấm, người dân tự bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng.

Theo ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý và tiến tới tổ chức hội thảo. Nó chưa phải là đề xuất chính thức của Hà Nội. Đến nay, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa có văn bản chính thức báo cáo thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, qua khảo sát cho thấy, xe máy ngoại tỉnh ra vào Hà Nội hiện nay có đến 80% là của sinh viên, cán bộ công nhân viên tại các khu công nghiệp, có các chuyến đi, tần suất cố định về điểm đi, điểm đến. Đối với các trường hợp này, cần khuyến khích tham gia vận tải hành khách công cộng, nhằm hạn chế gây áp lực cho giao thông nội đô. Đây được coi là tiền đề khả thi để tiến tới hạn chế xe máy.

Hạn chế xe máy, người dân đi lại bằng gì đang là câu hỏi dư luận đặt ra. Ảnh: Ủy ban ATGT Quốc gia

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng: “Đến khi cấm phương tiện cá nhân của người dân thì phải trả lời được câu hỏi người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì. Bên cạnh đó, không có chế tài để xử phạt việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô. Đặt ra như thế là không khả thi”. Theo phân tích của ông Liên, người các địa phương khác lên Hà Nội để học tập, sinh sống, phải có phương tiện đi lại. Nếu cấm xe địa phương thì họ mua xe biển Hà Nội để đi. Bên cạnh đó, nếu cấm xe máy biển ngoại tỉnh đi vào nội đô từ vành đai 1 thì người dân lấy chỗ nào để gửi xe...

Ở góc độ xã hội, chuyên gia giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Đề xuất hạn chế xe máy ngoại tỉnh khi giao thông công cộng chưa kịp phát triển là bất hợp lý, gây bức xúc và thiếu công bằng. Việc hạn chế xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng. Để cho xe máy phát triển như hiện nay có lỗi của cơ quan chức năng khi giao thông công cộng chưa tương xứng với sự phát triển, người dân phải sử dụng xe máy. Khi người dân mua xe máy rồi, giao thông công cộng chưa phát triển, mà cấm là không hợp lý. Chưa kể, việc cấm xe máy của người ngoại tỉnh lại càng không ổn, vì đa phần người ngoại tỉnh cũng làm dịch vụ, phục vụ cho sự phát triển của Thủ đô. Đề xuất này ảnh hưởng đến công việc của hàng triệu người lao động, sẽ càng gây bức xúc dư luận vì thiếu công bằng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang khẳng định: UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược GTVT nghiên cứu xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố”. Trong đó, Viện Chiến lược GTVT tham gia với tư cách tư vấn xây dựng đề án. Hiện đề án mới chỉ là dự thảo sơ bộ ban đầu và Sở GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý để tiến tới tổ chức hội thảo, chưa phải là đề xuất chính thức.

Mặc dù các giải pháp tình thế hay các đề án hạn chế dần phương tiện cá nhân thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, chưa tạo được sự đồng thuận của dư luận, nhưng rõ ràng, nếu không sớm có giải pháp hữu hiệu để hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ô tô, xe máy không giảm, thì giao thông Thủ đô sẽ sớm vỡ trận.

Dự báo, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 938.000 ô tô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô, 7,3 triệu xe máy. Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20 km/giờ, thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố và không ngừng vượt ngưỡng liên tiếp. Hệ quả là các phương tiện sẽ không thể di chuyển trên đường.


Nhóm PV
Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị - Bài 4
Diễn đàn Hiến kế giải cứu giao thông đô thị - Bài 4

Mặc dù các ngành, các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành Luật Giao thông, nhưng tình trạng vi phạm luật vẫn phổ biến. Việc mỗi người tự giác xây dựng ý thức văn hóa giao thông cho chính mình là cần thiết để giảm ùn tắc giao thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN