08:09 03/08/2011

Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng: Thành công dựa vào sức dân

Vào năm 2005, cơn bão số 7 đã đánh vỡ vụn 3,7 km đê biển tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Vào năm 2005, cơn bão số 7 đã đánh vỡ vụn 3,7 km đê biển tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Từ tháng 4/2007 - 6/2011, chính quyền địa phương với sự tài trợ Tổ chức CARE quốc tế đã giúp người dân trồng thêm 250 ha rừng ngập mặn. Cùng 200 ha rừng được trồng trước đó, Đa Lộc ngày nay đã có một dải rừng ngập mặn dài hơn 3 km che chắn cho con đê biển trong vùng. Thành công quan trọng nhất trong việc tạo ra bức tường thành chắn sóng này phải kể đến là ý thức của cộng đồng dân cư.

Thi công tuyến đê kè tả sông Càn dài gần 10km, đoạn qua xã Nga Điền (Nga Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Đình Huệ-TTXVN


Việc trồng rừng ngập mặn còn giúp người dân nâng cao thu nhập. Ông Hoàng Văn Tuấn, cán bộ dự án Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam cho hay: Với 250 ha rừng ngập mặn được trồng rải rác từ năm 1997 đến nay, có chỗ rừng đã dầy trên 300 m. Cây bần chua có chỗ đã cao 7-10 m. Nguồn lợi hải sản đã có trong tán rừng như: Don, dắt, cá con... Trung bình cứ 3-4 tháng ban quản lý rừng lại để cho nhân dân vào thu hoạch. Có ngày bà con thu về khoảng 40 triệu đồng từ bán hải sản dưới tán rừng.

Việc thiết lập hệ thống quản lý rừng ngập mặn ở đây đã dựa vào cộng đồng, bao gồm các ban, ngành, tổ chức đoàn thể của xã (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...), Ban quản lý dự án xã, các nhóm nông dân tham gia dự án (như nhóm trồng rừng, nhóm sinh kế...), các hộ hưởng lợi từ các mô hình sinh kế (mô hình nuôi lợn, mô hình nuôi hàu), với khoảng 450 thành viên đại diện cho người dân 6 thôn vùng dự án. Họ là những nhân tố thúc đẩy công tác quản lý rừng ngập mặn trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó còn có 700 người đại diện cho 700 hộ (70%) của 6 thôn vùng dự án được nâng cao kiến thức, kỹ năng về quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng như: Trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng,...

Trưởng Ban quản lý dự án, Phó Chủ tịch xã Đa Lộc, ông Vũ Văn Ngọc chia sẻ: 1,3 km đê biển được bảo vệ an toàn là do có rừng phòng hộ ven biển. Người dân ý thức được đây là công việc của mình, làm cho mình, nên họ vui vẻ nhiệt tình hăng hái, bất chấp những ngày mưa gió và nắng nóng của miền biển. Họ tham gia công việc như tham gia một ngày hội trồng rừng cho họ và cho con cháu mai sau.

Hoa Hà Vinh