09:08 26/09/2014

Phòng, chống dịch bệnh mùa thu - đông

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trong mùa thu - đông này, ngoài bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy…, người dân còn phải “đề phòng” nhiều dịch bệnh có tỷ lệ tử vong cao như: Cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, vi rút Corona và dịch bệnh do virút Ebola.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trong mùa thu - đông này, ngoài bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy…, người dân còn phải “đề phòng” nhiều dịch bệnh có tỷ lệ tử vong cao như: Cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, vi rút Corona và dịch bệnh do virút Ebola.


Trẻ dễ mắc nhiều bệnh phối hợp


Đưa bé gái Nguyễn Trà My, mới 2 tuổi, đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thu Nga, Vĩnh Tuy, Hà Nội, liên tục đưa tay sờ trán con và chỉ mong sao sớm tới lượt đưa con vào khám. Chị Nga chia sẻ: “Tôi nóng ruột lắm, cháu vừa sốt, vừa đau mắt, lại ho nữa. Khi cháu bị ho có đờm, tôi đã đưa cháu đi khám tư nhưng uống thuốc kháng sinh gần 1 tuần vẫn chưa đỡ. Chưa khỏi ho thì cháu lại bị lây đau mắt từ một nhà hàng xóm. Từ tối hôm qua, cháu bắt đầu sốt cao, có lúc hơn 39oC nên hôm nay tôi buộc phải đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương”.

 

Điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh.Ảnh: Đan Phương


Nhưng không riêng gì bé Trà My, trong khu vực khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương những ngày này, dễ dàng bắt gặp những trẻ cùng một lúc mắc nhiều bệnh phối hợp như hô hấp - tiêu chảy, đau mắt - sốt cao - nôn trớ…


Theo Ths BS Trương Thúy Vinh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Miền Bắc đang ở thời điểm giao mùa giữa hè và thu, trong một ngày hội tụ nhiều hình thái thời tiết, sáng se lạnh, trưa lại nắng chói chang và tối lại mát mẻ, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Đó là lý do vì sao thời gian gần đây, số trẻ mắc các bệnh hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy, dị ứng… có xu hướng tăng hơn; trong đó, không ít trẻ nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc".


Đối với bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu bất thường như: Sốt cao, giật mình, tay chân run; còn đối với bệnh sốt xuất huyết khi hạ sốt rất có thể là lúc bệnh trở nặng hơn, cần lưu ý khi trẻ có các biểu hiện xuất huyết, tay chân lạnh, nôn ói nhiều…

BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh.

Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhi tới khám chữa bệnh vẫn dao động ở mức 2.500 trẻ/ngày. Tuy nhiên, do đây là bệnh viện tuyến cuối, thường tiếp nhận những ca nặng từ tuyến dưới, nên con số thống kê chưa phản ánh hết thực tế (nều gia đình khám bệnh cho trẻ ở tuyến dưới, chọn cách tự chữa bệnh hoặc đưa con tới khám tại các phòng mạch tư).


Còn tại TP Hồ Chí Minh, thời điểm này “nóng” nhất là bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Theo thống kê của Trung tâm y tế dự phòng thành phố, từ giữa tháng 9 đến nay, trung bình mỗi tuần ghi nhận khoảng 160 -190 trường hợp SXH, tăng 20 % so với những tháng trước. Bên cạnh đó, số ca mắc TCM cũng đang gia tăng và bắt đầu vào mùa dịch. Trong tuần 37, thành phố có 106 ca TCM, tăng 9 ca so với tuần trước; nâng số ca nhập viện tích lũy từ đầu năm đến nay là 6.542 ca. Tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày gần đây, số trẻ nhập viện điều trị TCM không ngừng tăng lên. Hiện tại, khoa tiếp nhận điều trị cho 70 ca mắc TCM.


Ngoài hai loại bệnh dịch theo mùa nêu trên thì tuần qua, TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 37 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 4 ca so với tuần trước. Song song đó, các bệnh hô hấp, tiêu hóa cũng có dấu hiệu gia tăng. Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2, có khoảng 170 - 180 trẻ đang phải điều trị do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: Hô hấp cấp, viêm phế quản, viêm mũi họng... Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi ngày cũng khám cho khoảng 400 trẻ liên quan đến các bệnh về đường hô hấp.


Nguy cơ dịch bệnh lây lan từ gia cầm


Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong mùa thu - đông năm nay, người dân cần chú ý phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, sởi, rubella… Bên cạnh đó, cần chủ động phòng, chống các dịch bệnh có thể lây lan từ gia cầm sang người như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6.


Bộ Y tế khẳng định, hiện nay, chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, vi rút cúm A/H5N1 đã lưu hành trên đàn gia cầm và thường bùng phát dịch vào dịp đông - xuân, rồi lây bệnh cho người. Đặc biệt, gần đây, Việt Nam đã phát hiện vi rút cúm A/H5N6 trên một số đàn gia cầm. Do đó, người dân tuyệt đối không buôn bán gia cầm nhập lậu, cần báo ngay với ngành y tế, chính quyền về hiện tượng gia cầm ốm, chết để kịp thời xử lý, đồng thời thực hiện các nguyên tắc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…Về nguyên tắc, không có dịch bệnh trên gia cầm thì mới không có dịch trên người.


Cũng theo GS Hiển, ngoài dịch bệnh trên đàn gia cầm, người dân cũng không được lơ là đối với dịch bệnh do vi rút Ebola và nhất là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona (MERS - CoV), một căn bệnh tương tự như bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người trên thế giới vào năm 2003.


Trước nhiều dịch bệnh cần phải đối phó trong mùa thu - đông 2014, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tập trung phòng, chống dịch bệnh Ebola, MERS - CoV và các dịch cúm từ đàn gia cầm lây sang người.


“Hiện nay, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp; để chủ động ngăn chặn dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam, chúng tôi đã gửi văn bản, yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống. Chúng tôi cũng đã tăng cường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường giám sát dịch cúm A/H5N1, cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm, cũng như tăng cường giám sát tại các bệnh viện nhằm kịp thời xử lý ổ dịch và phát hiện sớm các ca bệnh (nếu có). Bên cạnh đó, ngành y tế cũng giám sát các ca mắc sởi và yêu cầu các địa phương quyết liệt ngăn chặn dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng ở miền Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.


Phương Liên