05:09 28/05/2011

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Phòng chống hút thuốc lá bằng các hoạt động thiết thực hơn

Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ - CP của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000 - 2010.

Ngày 27/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ - CP của Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2000 - 2010.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Thời gian tới, Bộ Y tế, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe giúp người dân nhận thức được tác hại khi sử dụng và hút thuốc lá thụ động; đồng thời tăng cường tuyên truyền các chuyên mục về phòng chống tác hại thuốc lá một cách thường xuyên. Phó Thủ tướng khẳng định, vì thế hệ tương lai, trước mắt chúng ta cần có các biện pháp thiết thực để không có học sinh hút thuốc lá trong môi trường học đường. Bên cạnh đó cần có cơ chế khuyến khích các địa phương, cơ quan cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc; đặc biệt là phải cương quyết xử lý vi phạm về bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi... Đồng thời, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát lại nội dung Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để văn bản này đủ mạnh, phản ánh rõ nét mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá bước đầu tại Việt Nam đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới đã giảm 9% và trong nữ giới giảm 1,4%. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã phần nào được cải thiện, đặc biệt là tại trường học, bệnh viện, cơ quan, công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời, công tác thông tin, giáo dục và truyền thông được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, huy động được đông đảo người dân tham gia. Nhờ vậy mà 95,7% người dân đã nhận thức được tác hại của thuốc lá; 87% người dân biết về tác hại của thuốc lá thụ động.

Tuy nhiên, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá vẫn tồn tại một số bất cập cần tiếp tục được điều chỉnh theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Nên in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm 50% diện tích hai mặt chính của bao thuốc lá nhưng ở Việt Nam mới chỉ in cảnh báo ở 30% diện tích và chưa có hình ảnh đi kèm. Mức thuế bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam mới chỉ đạt 45%, thấp hơn so với tỷ lệ 65 - 85% mà Ngân hàng Thế giới khuyến cáo và mức thuế ở các nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá mới dừng lại ở việc xây dựng mô hình thí điểm, xây dựng tài liệu hướng dẫn mà chưa triển khai rộng. Công tác chống buôn lậu thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn, việc bày bán thuốc lá lậu vẫn diễn ra phổ biến mà chưa bị xử phạt...

Nguyên nhân của thực trạng trên là do Việt Nam chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn về kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Việc triển khai hoạt động của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá chỉ dựa vào nguồn tài trợ nên không mang tính ổn định, lâu dài.

Thu Phương