10:08 08/10/2012

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Hà Nội phải là điển hình trong kiểm soát gia súc, gia cầm kém chất lượng

Chậm nhất đến hết quý I/2013, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước phải phê duyệt quy hoạch giết mổ và Hà Nội phải là một điển hình trong quy hoạch giết mổ và kiểm soát gia súc, gia cầm kém chất lượng.

Tại Hội nghị “Quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm” tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 7/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu: Chậm nhất đến hết quý I/2013, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước phải phê duyệt quy hoạch giết mổ và Hà Nội phải là một điển hình trong quy hoạch giết mổ và kiểm soát gia súc, gia cầm kém chất lượng. Đồng thời, giữa tháng 11/2012 các bộ, ngành liên quan phải xong cơ chế phối hợp kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Khẳng định những ý kiến của đại diện các tỉnh, thành tham dự Hội nghị đã phản ánh đúng thực tiễn hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: Trong tháng 10/2012, thành phố Hà Nội phải thông qua quy hoạch giết mổ và giữa tháng 12, Hà Nội phải ký được quy chế phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm.

 

Xóa sổ các điểm giết mổ nhỏ lẻ


Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm khu vực phía Bắc còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước mắt, cần tập trung vào một số điểm mấu chốt để tạo chuyển biến mang tính đột phá.


Thực tế, Hà Nội đã có những điểm giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp với số tiền đầu tư cả trăm tỉ đồng. Muốn để người dân đưa gia súc, gia cầm vào các điểm này giết mổ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội và các tỉnh lân cận phải đi đầu trong quy hoạch các điểm giết mổ; đóng cửa các điểm giết mổ không an toàn và xóa các điểm giết mổ tại các chợ cóc, chợ tạm. Làm được như thế, các điểm giết mổ công nghiệp, tập trung, bán công nghiệp mới tồn tại được và công tác quản lý giết mổ mới đi vào nề nếp được.


 

Lực lượng liên ngành kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển gia cầm sống tại chốt kiểm dịch số 5 trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2015, dự kiến có 50% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường Hà Nội được giết mổ tại các điểm giết mổ công nghiệp và giảm dần tỷ lệ giết mổ tại các lò mổ thủ công và điểm giết mổ nhỏ lẻ.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Hà Nội phải là một điển hình trong quy hoạch giết mổ. Trước mắt, trong tháng 10/2012, thành phố phải thông qua quy hoạch giết mổ”. Trong quy hoạch giết mổ tập trung, Hà Nội cần phải có kế hoạch thu hẹp số điểm giết mổ phân tán, nhỏ lẻ. Nếu không, các điểm giết mổ tập trung sẽ không thể hoạt động được. “Giết mổ gia súc gia cầm hiện nay vẫn là nghề kiếm sống của người dân. Vì vậy, hoặc phải đưa các hộ dân này tham gia vào quy hoạch giết mổ tập trung, hoặc phải tạo điều kiện cho họ có nghề mới”, Phó Thủ tướng lưu ý.


Cả nước hiện nay có 26 địa phương chưa có quy hoạch giết mổ. Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất là quý I/2013, tất cả các địa phương phải xong quy hoạch. Riêng 21 địa phương đang làm và làm sắp xong thì yêu cầu phải xong trước ngày 31/12 năm nay.

 

Kiểm soát từ vận chuyển tới tiêu hủy


Trước thực tế kiểm soát công tác vận chuyển gia súc, gia cầm đang gặp rất nhiều trở ngại, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Bộ này đang xây dựng Đề án kiểm soát việc nhập khẩu gia súc gia cầm kém chất lượng. “Đề án sẽ làm rõ các phương thức vận chuyển, khái quát được các hình thức, thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng để buôn bán, vận chuyển các sản phẩm gia súc, gia cầm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh.


Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, hiện nay công tác đấu tranh với các hình thức buôn bán thịt gia súc, gia cầm kém chất lượng đang vướng nhất ở khâu bắt giữ. Các đối tượng đang vận chuyển sản phẩm bằng cả xe chuyên dụng lẫn xe khách, xe gắn máy. Hiện nay, chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông mới có quyền yêu cầu tài xế dừng xe để kiểm tra. Còn các lực lượng khác thì không có quyền này. Chính vì vậy, thường để bỏ lọt đối tượng. Mặt khác, công tác bắt giữ chỉ thực hiện trong phạm vi một địa bàn, còn khi đối tượng đã di chuyển sang địa bàn khác thì ngoài khả năng can thiệp. Chính vì vậy, Đề án đang được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay trong kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh Đề án để kiểm soát việc nhập khẩu gia súc, gia cầm. Giữa tháng 11 năm nay phải báo cáo cho Ban chỉ đạo Quốc gia về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Bộ Công Thương phải giúp Hà Nội xây dựng kế hoạch phối hợp với 11 tỉnh, thành phố lân cận về kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, phấn đấu tới giữa tháng 12/2012, Hà Nội ký được quy chế phối hợp với các địa phương đó, để tập trung triển khai trong năm 2013. Đồng thời, hướng dẫn phối hợp thực hiện giám sát an toàn thực phẩm tại chợ.


Việc tiêu hủy các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc cũng đang là một vấn đề phải xem lại. Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, hiện nay quy trình tiêu hủy đang rất thô sơ: đổ vôi bột vào hố, đổ xác gia súc, gia cầm và lấp đất lên. Cách làm này không đảm bảo vệ sinh môi trường.


Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu các phương án khác cho việc tiêu hủy gia súc, gia cầm để báo cáo và đề xuất với Chính phủ và cho các địa phương triển khai. Tinh thần là không để các địa phương tiếp tục phương pháp tiêu hủy như hiện nay.