10:15 09/10/2014

Phố của tôi

Tôi chuyển đến khu phố này đúng thời điểm nắng nóng nhất. Chiếc xe ba gác chầm chậm dừng lại bên cánh cửa gỗ màu xanh vẫn còn dán thông báo có phòng trọ cho thuê.

Tôi chuyển đến khu phố này đúng thời điểm nắng nóng nhất. Chiếc xe ba gác chầm chậm dừng lại bên cánh cửa gỗ màu xanh vẫn còn dán thông báo có phòng trọ cho thuê. Đó là nơi tôi chọn sau những ngày tháng nông nổi mệt nhoài. Nỗi đau còn lại trong cuộc tình dài và vài vố thân tàn ma dại vì sự nghiệp khiến tôi chỉ muốn tìm một nơi có đủ tình người để níu chân tôi lại. Phố bất chợt đón tôi bằng một cơn mưa mát mẻ, nghe lòng mình nguội lại. Tôi bỗng thấy nhớ Di quá, người con gái đã cùng tôi lang thang biết bao phố nhỏ. Giờ Di lẫn đâu đó giữa thành phố đông đúc này mà không có một sợi dây nào liên hệ với tôi. Nhiều sớm tỉnh dậy tôi đã nuôi trong mình mong muốn sẽ gặp lại Di vào một ngày nào đó trong dòng người không ngừng trôi dưới phố kia. Nhưng điều tưởng như giản đơn ấy chắc hẳn cũng cần đến hai từ “duyên phận”. Đúng không?

Minh họa: Trần Thắng



Sống dưới thành phố đã trên mười năm, tôi không nhớ nổi những lần chuyển nhà của phận ở trọ lang thang. Mỗi lần chuyển nhà là mỗi lần cực, gọi xe ba gác mà không đủ chỗ tha lôi tất cả mọi thứ đi. Nên lần nào cũng bỏ lại một vài thứ cho đến khi chuyển về con phố toàn người già này thì tôi chẳng có gì ngoài ba lô quần áo và vài quyển sách thuộc dạng gối đầu giường. Bà cụ chủ nhà tóc đã bạc bê sang cho tôi cốc nước mơ đá mát lạnh rồi nhìn cái phòng trống trơ treo lọt thỏm vài bộ quần áo thì cười bảo:

- Thanh niên có khác, lúc nào cũng gọn nhẹ.

Tối đó ông chủ mang cái quạt điện cơ cũ ra lau chùi, giằng níu cẩn thận rồi mang sang cho tôi. Bà chủ ra ngõ ới hàng bán chiếu mang đến một cái chiếu trúc, một cái màn đôi dặn tôi nhớ mắc màn không nhiều muỗi. Xóm trọ cũ, phòng trọ đã có phần xập xệ, những con người trụ lại ở đây nghe nói cũng ngót ngét chục năm. Tôi nghe mà thất kinh. Những nơi tôi từng ở, chỗ thì nóng quá, chỗ thì mưa dột. Chỗ thì chủ nhà khó tính chuyên xét nét săm soi, chỗ thì trộm cắp như ranh mặc dù với một thằng tứ cố vô thân như tôi vốn chẳng có gì nhiều để mất.

Thành phố không mặt người như một bức tranh phác họa giản đơn. Mà kì thực thì trên mặt người thượng đế chỉ vẽ một đôi mắt to, một chiếc mũi thính, một đôi tai rộng nhưng chiếc miệng thì chỉ là chấm mực nhỏ xíu. Nên con người ta không quen nói với nhau, ngôn từ nín lặng trong môi, bị cắn vụn bởi hai hàm răng và trôi tuột xuống dạ dày. Tôi thèm tiếng người và sợ cuộc sống đơn độc nên cứ đi và đi.

Di của tôi hình như cũng thế, dù luôn sợ chỗ đông người nhưng trong lòng cô gái mỏng manh yếu ớt ấy thèm được cưng nựng vỗ về biết nhường nào. Đáng tiếc thay những lúc ấy tôi còn quá trẻ để hiểu được thứ gì mới thật đáng giá trong cuộc đời này. Tôi đã để Di đơn độc trong nỗi chờ đợi mỏi mòn còn mình thì lao đầu vào những bận bịu viển vông. Trong lá thư cuối cùng Di để lại ở đầu giường trước lúc bỏ đi, Di chỉ kể thôi không một lời oán trách. Di kể về một lần bị va quyệt ngã xuống giữa lòng đường, Di đã hoảng sợ như thế nào khi nhìn những chiếc xe khác không hề giảm ga như muốn sấn sổ lao vào mình. Không một ai dừng lại đỡ Di dậy cho đến khi một cụ ông bán vé số vẫy tay xin đường len lỏi giữa dòng người đến giúp đỡ Di. Di kể về thói quen đi lang thang một mình bỗng gặp cơn mưa, thèm đến cạn lòng một mái hiên nhà đủ rộng lượng đón Di đến trú nhờ. Hàng quán bày ra nhiều quá nên hiếm hoi những khoảng trống dành cho Di, ghé vào chỗ nào cũng thấy mình vô duyên thừa thãi.

Di kể cả những chuyện rất nhỏ mà trước đây chưa khi nào Di mở lời nói với tôi. Chuyện con chim của Di bị chết không có chỗ chôn, nó có lẽ đã chết vì ngột ngạt và buồn chán chứ không phải do mắc bệnh. Thỉnh thoảng chim có hót nhưng tiếng hót ấy chưa kịp làm rung động lòng ai đã thắt nghẹn trong tiếng còi xe buốt óc. Cái chết của con chim khiến Di nhớ đến gốc khế ngọt ở góc vườn quê, nơi Di từng làm đám tang cho bao nhiêu loài vật. Lần nào Di trở về nhà cũng thấy cây trĩu quả và tỏa bóng mát vỗ về Di. Nên hôm con chim chết giữa đêm Di đã nghĩ đến một ý định điên rồ là bắt ngay một chuyến tàu trong đêm để sáng hôm sau có mặt tại góc vườn đào cho chú chim nhỏ bé một cái huyệt từ đất mẹ. Trong thư Di không nói rõ Di có trở về quê đêm ấy hay không, nhưng dòng thư ấy nhòe mực đi có lẽ vì Di đã khóc.

Di cũng kể về những ngày bão về thành phố, Di buông mành ngoài ban công mà mưa gió vẫn hất tung những chậu hoa thủy tiên sắp đến mùa trổ nụ. Tôi biết Di trồng loài hoa đó vì tôi thích, trong một câu chuyện đã xa tôi từng kể về những tháng ngày tuổi thơ ngồi trông hoa thủy tiên nở trong mưa mà lòng khấp khởi tin rằng mẹ sẽ về. Nhưng mẹ đã không bao giờ về như đã hứa, tôi cũng không còn chờ đợi nữa. Có ai ngờ gần hai mươi năm sau có người ngồi bên thủy tiên ngóng đợi tôi. Lúc ấy tôi đã mải bận bịu những gì để không kịp về ăn cùng Di một bữa cơm mà tất cả những món ngon trong mâm Di đều nấu vì tôi thích? Lúc Di ngã xe hay dầm mưa dưới phố hẳn tôi đang bận viển vông trong một vùng trời khô khan khác. Nên hôm nhận được bức thư, tôi đã đau đến mức không đứng dậy nổi để chạy theo Di ở một sân ga nào đó. Dù sau này Di có trở lại thành phố nhiều lần nữa, tôi biết, nhưng vì không có duyên nên chưa thể gặp lại được Di.

*
*                 *

Nơi tôi chuyển đến là phố của người già. Đầu đường cuối ngõ độc chỉ thấy người già trườn mặt ra đường, người tóc bạc, người lưng còng, người xe lăn, người móm mém. Ra chợ thấy người già chọn rau, trả giá mặc cả rồi còng lưng xách nặng. Về nhà thấy người già lẽo đẽo chạy theo đứa cháu đang tuổi hiếu động để bón từng thìa cơm. Đêm đến nghe thấy tiếng người già khục khặc ho khan trong gió. Sáng ra thấy người già đứng trước cửa ngóng xa xôi. Vài tờ cáo phó được dán lên cũng thấy người già lụi cụi hương khói khóc nhau. Tôi cứ thắc mắc hoài những người trẻ ở đâu?

Thực ra thì người trẻ vẫn lấp đầy từng ấy ngôi nhà. Tôi nhận ra điều ấy nhờ quần áo công sở phơi ngoài ban công, nhờ những đôi giày nhiều kiểu dáng vứt chỏng chơ ngoài cửa, nhờ tiếng nói chuyện điện thoại ngọt xớt. Thỉnh thoảng cũng thấy bóng họ lấp ló ở cửa sổ, ngoài ban công hay đứng lừng khừng chờ mở cổng. Nhưng rồi rất nhanh thôi họ sẽ mất hút, sẽ bốc hơi, sẽ biến mất sau cánh cửa, trong xe hơi, tút hút nơi ngõ nhỏ như thể họ không tồn tại ở nơi này. Như thể họ bỏ mặc xứ này cho người già cai quản rồi họ chìm nghỉm ở một thế giới nào đó hấp dẫn hơn. Tôi có hỏi bà chủ về những người trẻ. Bà chủ cười bảo:

- Khi bà còn trẻ bà cũng vậy. Ngôi nhà giống như hang ổ của chúa sơn lâm. Mà ở đó người ta không muốn kẻ khác xâm phạm dù chỉ bằng ý nghĩ. Người ta cũng sợ người khác hiểu về mình, nhìn thấu những bi kịch của gia đình mình nên cứ thu hẹp đời mình lại.

- Bà ơi. Thế còn bây giờ thì sao?

- Thì thấy tiếc cả quãng đời tuổi trẻ chớ sao. Tim ai rồi cũng teo lại chỉ còn bé bằng hạt đậu. Những trái tim thoi thóp trong phận sự làm người. Phải đến lúc già rồi, lúc chẳng còn mấy sức lực mà đề phòng mà hằn học. Khi giọt sống trong người đã cạn thì mới lại tha thiết được mở rộng lòng mình.

Hà Nội mùa nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc đỉnh điểm là 45oC, thành phần ở trọ chật hẹp như chúng tôi miệng lúc nào cũng há ra thở như cá đớp oxi. Giữa ngõ tự nhiên có hàng trà đá mới mở của một cụ ông, hình như chỉ để đợi những người lao động chân tay ngoài trời và những người thuê trọ ghé ngồi. Mà lần nào đi qua tôi cũng được cụ dúi cho một khay đá bảo về để trước quạt cho đỡ nóng. Vườn nhà bà chủ tôi rất rộng và nhiều cây cối, cảm tưởng như một viên ngọc xanh giữa một vùng toàn nhà cửa san sát bí rịt.

Nên nhà bà lúc nào cũng mở cửa đón bạn già hoặc những người gánh hàng rong dừng lại nghỉ chân. Tôi từng mắc võng nằm dài suốt những trưa hè oi bức, tỉnh dậy hoa khế phủ đầy, mát lịm bởi tiếng cười các cụ. Những người trẻ đi qua thở dài nhắc bà sao để cháu ngoài trời lâu thế, mùa lạnh thì lo bị ho, mùa nóng thì lo bị cảm. Cũng có lúc nghe thấy người trẻ càu nhàu khi vỏ hạt bí vương khắp vườn, than thở sao ở phố mà lại có cụ nào nhai trầu nhả bã đỏ lòm bừa bãi dưới gốc cây.

Tôi trọ ở đây tròn bốn mùa mưa nắng thì bắt đầu thấy lòng hiu quạnh, chân lại muốn đi. Vì những người già cứ thưa vắng dần nơi đầu ngõ, trong hẻm chợ hay trước cửa mỗi ngôi nhà. Thỉnh thoảng đi làm về lại giật mình nhìn thấy tờ cáo phó dán đầu ngõ, leo lắt bóng già tiễn đưa nhau. Quán trà đá bị người trẻ dẹp ngay, mấy cái bàn cho cô thu mua sắt vụn chẻ ra xin về làm củi. Người trẻ bảo để làm gì thêm chật chội, mà cũng có ai rảnh mà ngồi thu mấy đồng tiền lẻ. Sẽ có nhiều người mỗi lần đi qua đó đều thấy trống vắng như tôi.

Ông chủ xóm trọ tôi mất không bao lâu thì bà cũng theo đi. Hòn ngọc xanh của nhà chủ luôn đóng kín cửa. Cây khế cơm trong vườn bỗng nhiên vàng ngọn rồi chết. Người trẻ gọi thợ đến cưa đi, cả mấy cây rậm rịt cũng mang cưa nốt. Một vài cụ già còn lại thì mắt đã mờ, chân đã chậm đành ở rịt trong nhà. Thỉnh thoảng tôi giật mình bắt gặp ánh mắt họ dõi theo tôi sau song cửa sắt. Những người trẻ vẫn lấp đầy những ngôi nhà…

Tôi cứ tự hỏi đến bao giờ chúng ta mới già để sống tử tế với nhau hơn? Di chắc cũng từng hỏi như thế khi rời bỏ ngôi nhà trọ nhỏ ấy, nơi mà khi mới chuyển đến Di cứ ngỡ nó là tổ ấm. Tôi chưa từng khi nào nguôi nhớ nhung Di. Hơn cả tình yêu đó là nỗi nhớ đồng loại, nhớ một nhịp tim, một hơi thở đã từng mỏi mòn đập vì mình. Sao tôi còn mãi kiếm tìm Di ở nơi đây khi biết đâu Di đã trở về mảnh vườn ngồi gục đầu bên gốc khế cơm trĩu quả. Hình như tàu đã đổi chuyến, bạn có biết chuyến tàu về quê Di chạy lúc mấy giờ không? Tôi muốn về để hỏi Di xem đêm ấy Di có mang theo con chim sẻ nhỏ về với gốc khế quê nhà?

Vũ Thị Huyền Trang