12:08 21/12/2012

Phố cổ Hà Nội trước nhiều thách thức

Hiện nay các khu phố cổ đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nhà ở thấp kém; cơ sở hạ tầng xuống cấp; cảnh quan đô thị không hấp dẫn và vướng mắc nhiều vấn đề về giao thông...

Theo đánh giá của ngành quy hoạch kiến trúc Hà Nội thì hiện nay các khu phố cổ đang đối mặt với nhiều thách thức như: Nhà ở thấp kém; cơ sở hạ tầng xuống cấp; cảnh quan đô thị không hấp dẫn và vướng mắc nhiều vấn đề về giao thông.

Ngoài ra, các phố nghề truyền thống của Hà Nội đang có nguy cơ bị mai một, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các công trình ở nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hoá, tôn giáo có giá trị đang dần mai một, xuống cấp và bị xâm phạm; thiết kế đô thị không được quan tâm; cảnh quan phản cảm, chưa văn minh; thiếu cây xanh, điểm đỗ xe…

Vì vậy, Hà Nội đang xây dựng quy chế để cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 để làm căn cứ cho các cấp chính quyền địa phương, đơn vị, cơ quan thực hiện tốt công tác quản lý, cấp phép đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, chỉnh trang.

Theo Quy chế quy mô khu phố cổ được mở rộng 82 ha. Điểm mới là sẽ quy định bảo tồn các không gian đặc trưng, như không gian mở, ô phố đặc thù với loại hình kiến trúc và tập trung vào việc nghiên cứu bảo tồn, phục dựng hình ảnh các tuyến phố chính. Vùng không gian phát triển phù hợp với mục tiêu mức độ bảo tồn và kiểm soát chức năng, hình thái không gian kiến trúc. Trong đó, vùng 1, quy mô trên 23 ha gồm 29 tuyến phố và 17 ô phố. Vùng 2, quy mô gần 59 ha gồm 57 tuyến phố, 66 ô phố sẽ được bảo tồn chỉnh trang và nâng cấp phát triển.

Khu vực khu phố cổ, tuyến phố Trần Quang Khải sẽ được nghiên cứu trong tổng thể thiết kế đô thị toàn tuyến từ Trần Khát Chân đến Yên Phụ, tạo dựng và kết nối hài hòa với không gian quy hoạch hai bên sông Hồng…. Bên ngoài khu phố cổ có 2 phường ngoài đê gồm Phúc Xá, Chương Dương - phía Đông; công viên Vạn Xuân - phía Bắc và phố Lý Nam Đế - phía Tây khu phố cổ nhằm xác định quỹ đất hỗ trợ các chức năng còn thiếu, yếu trong khu phố cổ như trường học, bến bãi đỗ xe, cây xanh…

Dân cư, hiện nay, tại khu phố cổ có khoảng 850 người/ha, theo Đề án giãn dân phố cổ phải giảm xuống 500 người/ha.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: Việc xây dựng quy chế là cần thiết để làm cơ sở phân bổ dân cư, sử dụng đất đai, định hướng tổ chức không gian, kiến trúc. Vì vậy, UBND thành phố yêu cầu quy chế phải xác định rõ thêm phạm vi khu phố cổ, khu liền kề, phụ cận, khu phố cũ…; quy định quản lý đất đai, kiến trúc, hạ tầng. Tới đây Hà Nội phải giãn dân phố cổ, tăng hạ tầng xã hội, xây thêm trường học…


Nguyễn Văn Cảnh