Đẩy mạnh truyền thông dân số ở các xã đặc biệt khó khăn

Công tác truyền thông nhằm giảm tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn ở vùng cao tỉnh Yên Bái.

Cán bộ dân số truyền thông, cấp tờ rơi cho vị thành niên - thanh niên tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhờ làm tốt công tác này, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2016 của Yên Bái đã giảm về mức 10,8‰ (năm 2011 ở mức 12,54‰); 74% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã thực hiện những biện pháp tránh thai hiện đại.

Tuy nhiên, hiện nay công tác truyền thông dân số của tỉnh Yên Bái vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ở các xã đặc biệt khó khăn, khu vực vùng cao và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả thực hiện mục tiêu giảm sinh vẫn ở mức cao.

Theo đó, tại 72 xã vùng đặc biệt khó khăn của Yên Bái, tỷ suất sinh thô vẫn thường xuyên ở mức trên 20‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên vẫn ở mức trên 15%. Bên cạnh đó, tỷ lệ sản phụ sinh con tại nhà, trẻ em suy dinh dưỡng ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại.

Nhiều mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã được Yên Bái đẩy mạnh triển khai tại các xã này như: Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Tuy nhiên, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức; công tác truyền thông, vận động do đó chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.

Với đặc thù là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Nhận thức của người dân nơi đây về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình mặc dù đã được cải thiện nhiều, song vẫn còn hạn chế.

Các xã trên địa bàn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn nên việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dân số còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với các cặp vợ chồng sinh con một bề.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác dân số, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng kế hoạch đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản đến từng xã, thị trấn.

Các đối tượng được cán bộ y tế, dân số trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe sinh sản, nuôi con khỏe dạy con ngoan. Đồng thời, kết hợp kiểm tra, rà soát, vận động số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những cặp vợ chồng sinh con một bề, đã sinh đủ số con nhưng chưa thực hiện một trong những biện pháp tránh thai hiện đại hưởng ứng và thực hiện…

Nhằm nâng cao chất lượng dân số ở các xã đặc biệt khó khăn, từ năm 2011, với nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình, Yên Bái đã triển khai thí điểm mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã vùng cao, đến nay đã nâng lên 32 xã của 4 huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên.

Kết quả, số cặp hôn nhân cận huyết thống đã giảm đáng kể, tỷ lệ cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn tăng từ hơn 50% lên gần 90%, cơ bản đã khắc phục tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng và các hệ lụy khác. Năm 2016, toàn tỉnh Yên Bái chỉ phát hiện một cặp hôn nhân cận huyết.

Ông Lương Kim Đức, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái cho biết, công tác truyền thông dân số đã góp phần đáng kể trong việc thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao, nâng cao chất lượng dân số tỉnh Yên Bái, nhất là đối với 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Thời gian tới, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác này, đồng thời triển khai đồng bộ các dịch vụ y tế với chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản tại những xã đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức như, mít tinh cổ động, sinh hoạt nhóm, tổ tư vấn, truyền thông tại hộ…

Cùng với đó, tiếp tục duy trì mô hình can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa bàn triển khai mô hình; duy trì hoạt động của 22 câu lạc bộ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; trực tiếp đến các thôn, bản vận động, tuyên truyền các kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình …

Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Truyền thông dân số góp phần mang no ấm tới bản làng
Truyền thông dân số góp phần mang no ấm tới bản làng

Trong 5 năm qua, mô hình giảm tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết và sinh con thứ ba do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu triển khai ở các xã có tỷ lệ cao, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN