Bài thuốc từ mai ba ba

Mai ba ba là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Chế biến mai ba ba theo hai cách sau:


- Ngâm mai vào nước gừng rồi phơi khô. Sao với cát nóng hoặc nướng chín đến khi mặt ngoài hơi vàng, lấy ra tẩm sơ qua với giấm (tỷ lệ 1,5 lít giấm cho 5 kg mai), rửa sạch, phơi khô. Bảo quản nơi khô ráo, tránh sâu mọt.


- Nấu cao: Ngâm mai vào nước tro bếp (tro rơm, rạ hay củi) trong một đêm, lấy ra rửa sạch, tẩm rượu rồi cắt nhỏ, nấu với nước luôn sâm sấp và sôi liên tục trong một ngày, một đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nước thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô thành cao đặc ở nhiệt độ 700C trở lên. Cao tốt phải có hai lớp khi cắt ngang, lớp trên có màu nâu hơi vàng bóng, lớp dưới có màu nâu đen, mùi thơm, không tanh.


Công dụng và cách dùng


Mai ba ba có vị mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng bổ âm, ích khí, thanh nhiệt, nhuận táo, giảm đau, điều kinh. Dược liệu được dùng chữa hao gầy, đau lưng, nhức xương, lao lực quá độ, khí huyết ngưng trệ, mồ hôi trộm, tiểu tiện ra sỏi, kinh nguyệt bế, sốt rét. Mỗi ngày uống 10-20g bột hoặc 6-10g cao, chia làm hai lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.


Bài thuốc có mai ba ba


- Chữa trẻ nhỏ bị suyễn, thở gấp: Mai ba ba đốt tồn tính, tán bột mịn, lá nhót tươi 50g, rửa sạch, ép lấy nước đặc. Mỗi lần uống 4g bột mai với nước ép lá nhót.


- Chữa sốt rét: Mai ba ba 30g, tẩm giấm, nướng vàng làm 3 lần; cành và lá cây cam thìa 100g, cắt nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng; rễ hà thủ ô trắng đã chế 50g; lá thường sơn 50g, tước bỏ cuống và sống lá, ngâm nước vo gạo 2 ngày, 2 đêm, mỗi ngày thay nước gạo một lần, thái nhỏ, tẩm rượu, sao vàng; thảo quả sao cháy vỏ ngoài, lấy hạt 30g; vỏ chanh khô 30g; hạt cau nhà hay cau rừng 30g; hậu phác 20g; cam thảo 20g, sao qua. Tất cả tán nhỏ, rây bột mịn. Người lớn uống mỗi ngày hai lần vào trước bữa ăn một giờ, mỗi lần 4g với nước sôi để nguội. Trẻ em tùy tuổi dùng liều thích hợp. Uống liên tục trong khoảng một tháng.


- Chữa mụn rò, chảy nước và mủ: Mai ba ba, mai rùa, phèn chua (lượng các vị bằng nhau) đốt tồn tính, tán nhỏ, rắc vào chỗ đau, ngày vài lần.


- Chữa xơ gan: Mai ba ba 30g, vảy tê tê 5g, cắt nhỏ, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.



X.M (st)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN