Ngày 15/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 2, xét xử sơ thẩm đối với 7 bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, làm 9 người tử vong.
Tại phiên tòa, bị cáo Trương Quý Dương mong cơ quan tố tụng cho phép bản thân được trình bày đầy đủ để làm căn cứ phán xét.
Theo lời khai của bị cáo Dương, khi hợp đồng có hiệu lực, các phòng chuyên môn như Phòng Vật tư thiết bị y tế liên hệ để thực hiện việc sửa chữa. Nhưng khi hệ thống RO bị hỏng, các phòng ban chuyên môn bố trí thời gian phù hợp nhất để toàn quyền sửa chữa, còn bị cáo Dương không biết việc đó. Nếu có những tình huống bất khả kháng, các phòng, ban chuyên môn cần phải có kịch bản xử lý.
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng 315 (sửa chữa RO số 2) giữa Bệnh viện và Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn nằm trong kế hoạch từ đầu năm 2017 và được đưa vào kế hoạch sửa chữa quý II. Khi thấy hệ thống hoạt động yếu hơn bình thường, Bệnh viện đã mời các kỹ thuật viên xem xét, đánh giá và Phòng Vật tư thiết bị y tế đề nghị sửa chữa, khắc phục trong quý 2. Bị cáo cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thực hiện đúng quy trình.
Bị cáo Hoàng Đình Khiếu khai nhận về việc bố trí nhân sự, riêng Đơn nguyên thận nhân tạo đã đào tạo được một số bác sĩ để có người thay thế. Khi sự cố xảy ra, về nhân lực chuyên môn, Khoa đã đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu chạy thận của người bệnh.
Bị cáo Khiếu cũng khẳng định “bị cáo không có chuyên môn về lọc máu mà chỉ chuyên về hệ thống nội khoa; khi ra trường, bị cáo điều trị đa khoa tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Với cương vị là Trưởng khoa, bị cáo giao các bác sĩ trong khoa và bác sĩ Lương về mặt chuyên môn. Còn việc điều động nhân sự bất thường trong Khoa phải báo cáo Trưởng, Phó khoa".
Bị cáo Trần Văn Thắng khai nhận đã ủy quyền cho bị cáo Trần Văn Sơn phụ trách tìm kiếm đơn vị sửa chữa RO số 2 và kế hoạch sửa chữa hệ thống RO số 2 (vào ngày 28/5/2017), bị cáo đã xây dựng kế hoạch sửa chữa cả 3 hệ thống RO. Việc sửa chữa hệ thống RO số 2 thuộc vào đề xuất của Đơn nguyên thận nhân tạo và việc kiểm tra kết quả của nhân viên kỹ thuật sau khi có tham vấn của đơn vị sửa chữa.
Nhận thấy việc sửa chữa vượt quá khả năng của nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế nên việc giao dịch và tìm kiếm đơn vị sửa chữa, bị cáo Thắng đã giao ủy quyền cho bị cáo Sơn phụ trách. Tại thời điểm sửa chữa RO số 2, bị cáo Thắng chưa nhận được hợp đồng 315 nhưng bị cáo đã hiểu về chủ trương.
Tại phiên tòa ngày 15/1, bị cáo Thắng thừa nhận: Căn cứ vào những lần sửa chữa trước, đề xuất của Phòng Vật tư thiết bị y tế trình lên đều trùng hợp với nội dung hợp đồng nên bị cáo tin tưởng vào nội dung cần sửa chữa. Nếu việc đề xuất không được thanh toán, bị cáo sẽ chịu trách nhiệm với tư cách Trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế cho sửa chữa máy móc khi chưa nhận được phê duyệt từ Giám đốc.
Ngày mai (16/1), phiên tòa vẫn tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.