07:08 15/07/2014

Phiên tòa thiếu tính nhân văn

Tiên Lãng (Hải Phòng) từng nổi tiếng với vụ án Đoàn Văn Vươn, giờ lại xôn xao dư luận cả nước bởi vụ án 4 học sinh... đã phải lĩnh mức án từ 18-36 tháng tù giam.

Tiên Lãng (Hải Phòng) từng nổi tiếng với vụ án Đoàn Văn Vươn, giờ lại xôn xao dư luận cả nước bởi vụ án 4 học sinh (trong đó có ba chưa thành niên) giật một chiếc mũ vải trị giá 60.000 đồng và chiếc nón lá của bạn gái với mục đích trêu đùa (như lời khai của bị cáo và xác nhận của bị hại) đã phải lĩnh mức án từ 18-36 tháng tù giam.


Diễn biến vụ việc như sau: Ngày 23/9/2013, Thành điều khiển mô tô chở Thịnh, Hùng và Lộc đi chơi, khi đến khu vực xã Tiên Thắng, nổi hứng, Thành cho xe máy áp sát rồi giật mũ của em Trịnh Thị Thu Hà (học sinh Trường THPT Tiên Lãng). Sau đó, nhóm học sinh này tiếp tục giật chiếc nón lá của một học sinh nữ khác. Khi thực hiện hành vi trên, các bị cáo vẫn mặc áo học sinh, sau đó còn quay lại trêu, cười đùa các bạn gái.


Bản chất vụ việc chỉ có vậy, nhưng không hiểu sao, vụ “cướp mũ” đã được cơ quan CSĐT CA huyện Tiên Lãng điều tra thụ lý và 4 học sinh tham gia đã bị bắt tạm giam. Thật trớ trêu khi các bị cáo nói rằng, do bị “ép cung” nên phải khai là bàn nhau đi giật mũ về sử dụng...


Lời kêu cứu từ gia đình các bị cáo, đại diện chính quyền địa phương, nhà trường, cả bị hại và gia đình bị hại... đều cho rằng hành vi “cướp mũ” chẳng qua chỉ là trêu đùa, một hành động bột phát. Hành động trêu ghẹo nhau, giật mũ của nhau là chuyện xảy ra thường ngày ở tuổi học trò. Tuy nhiên, những lời khẩn cầu đó đã trở thành vô vọng khi tòa phúc thẩm TAND TP Hải Phòng ngày 8/7 đã tuyên mức án như trên.


Điều kỳ lạ của vụ án, bị hại là em Trịnh Thị Thu Hà cùng cha đều khẳng định không có khiếu kiện gì và cũng không hiểu vì sao vụ việc lại bị đẩy tới mức trầm trọng như vậy. Hà khẳng định trước tòa: “Khi giật mũ, các bạn nam còn quay lại cười. Em cũng nghĩ các bạn trêu nên cũng cười đùa lại. Bình thường các bạn học sinh cũng hay giật mũ trêu đùa nhau”.


Khi tòa công bố tờ đơn khiếu kiện của Hà gửi Công an huyện Tiên Lãng, thì Hà cho biết, sau khi xảy ra vụ việc vài hôm, Công an huyện Tiên Lãng đến trường yêu cầu và hướng dẫn em viết đơn trước sự chứng kiến của một giáo viên nhà trường.


Qua nhiều kênh thông tin, dễ nhận thấy rằng, dư luận rất bức xúc với bản án mà tòa phúc thẩm - TAND TP Hải Phòng vừa tuyên, bởi những lý do sau đây: Hành vi của nhóm học sinh nói trên chưa đủ cấu thành tội phạm; động cơ và mục đích của hành vi chưa được tòa làm sáng tỏ; nếu là một hành động vi phạm pháp luật đi chăng nữa, cũng có cần thiết phải bỏ tù những học sinh như vậy không?... Hiểu một cách máy móc thì có thể hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội cướp giật tài sản. Nhưng nếu quy các học sinh nói trên là tội phạm thì thật sự không đủ sức thuyết phục. Bởi, theo quy định của pháp luật, tội phạm “là hành vi nguy hiểm cho xã hội...”. Còn bản chất sự việc ở đây, tài sản “cướp” được là một chiếc mũ trị giá 60.000 đồng và mục đích mà các bị cáo thực hiện chỉ để trêu chọc, chứ không phải cướp mũ để sử dụng.


Chuyện học trò giật của nhau một đồ vật giá trị nhỏ như cái mũ, cây bút... chỉ là trò nghịch ngợm của lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma”. Giáo dục người vi phạm pháp luật có nhiều phương pháp, cụ thể trong trường hợp này, cơ quan pháp luật sau khi bắt các cháu nên giao lại cho địa phương giáo dục sẽ hiệu quả hơn là đưa ra tòa án xét xử rồi phạt tù. Bởi thời điểm các bị cáo gây ra vụ “cướp mũ” (9/2013), trong 4 bị cáo thì có 3 là tuổi vị thành niên, đối tượng còn lại mới bước qua tuổi 18 được vài ngày... Rất nhiều giáo viên Trường THCS Đông Hưng cùng người dân địa phương huyện Tiên Lãng đã thể hiện quan điểm như vậy.


Ai đó trong mỗi chúng ta đặt vai trò làm cha, làm mẹ của các bị cáo thì mới thấu hiểu và cảm thấy xót xa với kết quả của phiên tòa. Bản chất tốt đẹp của xã hội ta, luật pháp xã hội chủ nghĩa quy định việc áp dụng hình phạt có tác dụng răn đe người phạm tội, hướng đến mục đích cao cả là để các bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân tốt. Vậy nên, với kết quả phiên tòa phúc thẩm vừa qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan tố tụng huyện Tiên Lãng đã quá máy móc, nặng về hình phạt mà quên đi những biện pháp giáo dục khác đối với những đứa trẻ mắc lỗi lầm. Đáng nói hơn, với bản án nêu trên, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và tương lai của các em. Những đứa trẻ không chỉ bị tước mất tương lai học hành, mà còn phải khoác lên mình “lý lịch đen” đến suốt đời chỉ vì cách hành xử thiếu tính nhân văn của người lớn.


Rất nhiều ý kiến đồng tình với kiến nghị đầy nhân văn mà phù hợp pháp luật của cô giáo Trần Thị Nhung - giáo viên chủ nhiệm và 35 học sinh lớp 11C3 (nơi mà một trong bốn bị cáo theo học) Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tiên Lãng, rằng không cần thiết phải xử tù các em, mà cần tạo điều kiện cho các em có cơ hội tiếp tục trở lại học tập để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.


Dư luận mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan pháp luật, các đoàn thể xã hội, ngành giáo dục nhanh chóng vào cuộc để cứu những đứa trẻ không đáng phải chịu mức hình phạt khắc nghiệt như bản án mà tòa phúc thẩm TAND TP Hải Phòng đã tuyên.

 


Yến Nhi