03:08 21/03/2012

Phiên họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 điều của luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung.

Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 31/120 điều của luật hiện hành, gồm 3 nhóm vấn đề với 21 nội dung.

Tán thành với nhiều nội dung của dự án luật, song Thường vụ Quốc hội cũng còn nhiều băn khoăn về cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế, thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, mức phải nộp đối với trường hợp phân kỳ nộp thuế…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cơ chế quản lý rủi ro là vấn đề quan trọng, là nguyên tắc mới, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro tạo nhiều thuận lợi cho cơ quan quản lý cũng như người nộp thuế. Song, nếu quản lý thuế theo cơ chế rủi ro phải thận trọng, bởi việc gian lận thuế là không thể tránh khỏi, do đó phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tránh thất thu, phân loại đối tượng quản lý rủi ro như thế nào, có nội dung, biện pháp cụ thể để bảo đảm quản lý rủi ro. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nên quy định trường hợp rủi ro ngay trong luật, đây là khái niệm quan trọng cần có để giải thích cụm từ này.
Ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xóa nợ, cần quy định cụ thể trong dự thảo luật tiêu chí, điều kiện được xóa nợ theo hướng chỉ xóa nợ cho những khoản nợ mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành; nhưng không nên quy định theo hướng cứ áp dụng cưỡng chế không được thì xóa nợ, dẫn đến tạo kẽ hở cho hành vi tiêu cực, thỏa thuận trốn thuế.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tán thành với đề xuất Chính phủ thực hiện xóa nợ theo quy định của luật, quy định các tiêu chí xóa nợ chặt chẽ hơn. Song, trách nhiệm tổ chức xóa nợ nên giao cả cho Bộ Tài chính và Chính phủ bởi có những khoản thuế lớn, tính chất phức tạp. Bộ trưởng cũng cho rằng mức phạt chậm nộp thuế 0,05% là đã phù hợp, mức này đã cao hơn lãi suất ngân hàng nhiều, nếu tính như Ủy ban Tài chính - Ngân sách (0,1%) thì quá cao và nếu cao quá sức chịu đựng, người nộp thuế sẽ quay lại mua chuộc người thu thuế.

Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2012 và việc bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc bố trí vốn trái phiếu chính phủ kế hoạch năm 2012 được thực hiện theo các nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015. Về nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch 2012, đa số ý kiến của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất không bổ sung mới các công trình, dự án nằm ngoài danh mục Nghị quyết số 881/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 40 dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung trong năm 2011 và Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ cho giáo viên theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ-QH13 ngày 9/11/2011 của Quốc hội.

Về phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách nêu rõ cần rà soát, điều chỉnh lại mức phân bổ từng chương trình phù hợp với tổng mức vốn đầu tư đã được Quốc hội quyết định, phù hợp với kế hoạch vốn trong cả giai đoạn 2011-2015, tránh việc bố trí vốn cho một số chương trình quá lớn, có chương trình lại quá thấp, không đảm bảo nguồn lực để hoàn thành mục tiêu của chương trình đến năm 2015. Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 còn lại, trình tổng thể các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2015.

Chu Thanh Vân