05:15 14/05/2015

Phiên họp thứ 38 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII : Đánh giá khách quan về tình hình kinh tế - xã hội

Phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức tại Hà Nội tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó, có việc cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014...


Phiên họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII tổ chức tại Hà Nội tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó, có việc cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách trung ương năm 2014...

Kinh doanh khởi sắc nhưng vẫn khó khăn

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 nhận định: Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp nhưng tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 của nước ta có chuyến biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN



Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, “tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2014 có xu hướng tốt hơn so với năm 2013”. Bên cạnh số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14.419 doanh nghiệp, tăng 7,1%. Trong quý I/2015, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cả về số lượng, số vốn đăng ký và quy mô vốn bình quân của một doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, thị trường tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi thấp khi số doanh nghiệp phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp chỉ chiếm tỷ lệ dưới 50% trong những năm gần đây. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, nhưng việc nâng cao trình độ, năng lực của nền kinh tế Việt Nam chưa rõ nét.

Để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tập trung rà soát, giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đất đai, bảo hiểm xã hội, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, phá sản doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...

Đặc biệt, những khó khăn trong đầu ra của sản xuất nông nghiệp tiếp tục là vấn đề chưa có giải pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn: “Nếu cứ tư duy thế này thì không chỉ năm nay mà các năm sau nông nghiệp cũng khó khăn”.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự tiến bộ trong công tác thực hành tiết kiệm và phòng, chống lãng phí trong năm 2014 ở 4 lĩnh vực: Ngân sách Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý đầu tư xây dựng và tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.

Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, các cấp, các ngành đã chủ động rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác ngoài nước và các khoản chi khác chưa thực sự cấp bách, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng năm 2014 có chuyển biến rõ rệt, nhiều dự án quan trọng quốc gia hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư xây dựng được tăng cường trong tất cả các khâu, giúp sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư, từng bước khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014 còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như việc ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật còn chậm. Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước tuy có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Các vi phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản vẫn xảy ra khá nhiều và trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Tình trạng dàn trải, chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn vẫn chưa được xử lý triệt để…

Cơ bản nhất trí với những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 mà Chính phủ đề ra, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát hệ thống định mức, chế độ, tiêu chuẩn để sửa đổi, bổ sung bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và phù hợp; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gắn với các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

B.T.V (tổng hợp)