02:00 29/02/2012

"Phép màu" chưa đến với Hy Lạp

Ngày 28/2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức tín nhiệm dài hạn CC và ngắn hạn C của Hy Lạp xuống mức “vỡ nợ một phần” (SD), sau khi Aten bắt đầu triển khai kế hoạch hoán đổi trái phiếu nhằm giảm bớt gánh nợ khổng lồ của mình.

Ngày 28/2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức tín nhiệm dài hạn CC và ngắn hạn C của Hy Lạp xuống mức “vỡ nợ một phần” (SD), sau khi Aten bắt đầu triển khai kế hoạch hoán đổi trái phiếu nhằm giảm bớt gánh nợ khổng lồ của mình.

Những người Hy Lạp gặp khó khăn kinh tế xếp hàng nhận đồ ăn miễn phí tại một lễ hội truyền thống ở Aten hôm 27/2.


Theo S&P, lý do chính để hãng này đưa ra quyết định trên là vì chính phủ Hy Lạp đã “gài” các Điều khoản Hành động Tập thể (CAC) vào thỏa thuận hoán đổi nợ, buộc tất cả chủ nợ tư nhân nắm giữ trái phiếu tham gia kế hoạch hoán đổi trái phiếu. S&P cho rằng, việc bổ sung CAC sẽ thu hẹp quyền thương lượng của người giữ trái phiếu trong cuộc trao đổi nợ tới đây.

Đại diện các nhà đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là các ngân hàng, đã nhất trí xóa 107 tỷ euro nợ của Hy Lạp thông qua việc hoán đổi trái phiếu. Thỏa thuận hoán đổi nợ được Aten khởi động hôm 24/2 và dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 12/3. S&P cũng dự báo về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ hoàn toàn nếu không đủ số chủ nợ đồng ý với mức hoán đổi do Aten đề xuất. Bên cạnh đó, S&P để ngỏ khả năng sẽ nâng mức xếp hạng nợ công của Hy Lạp lên CCC, nếu kế hoạch hoán đổi nợ “xuôi chèo mát mái”.

Phản ứng với quyết định của S&P, Bộ Tài chính Hy Lạp khẳng định việc bị giáng mức xếp hạng tín nhiệm xuống SD không tác động tới khu vực ngân hàng của nước này.

Động thái trên của S&P được đưa ra sau khi quốc hội Đức cùng ngày thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp, trong khuôn khổ những nỗ lực của châu Âu nhằm tránh cho Hy Lạp không bị phá sản.

Đâu là “phương thuốc” nhiệm màu?

Gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro sẽ giúp Hy Lạp đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ? Câu trả lời là “chưa chắc”.

IMF lo ngại rằng với kế hoạch cứu trợ này, trong nhiều năm tới Hy Lạp sẽ không thể vay thêm được tiền và chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào sự “hảo tâm” của các quốc gia láng giềng. Theo báo “Bưu điện Oasinhtơn” (Mỹ) số ra ngày 23/2, các quan chức IMF đã cảnh báo về sự “trói buộc” quá mức của Hy Lạp vào đồng euro. Ít người cho rằng kế hoạch cứu giúp này sẽ ngay lập tức xoa dịu được những mối lo của Eurozone. Theo phân tích của IMF, Hy Lạp có thể phải chờ khá lâu trước khi các quốc gia láng giềng “mở hầu bao” để giải ngân các khoản vay cho họ.

Bồ Đào Nha đạt điều kiện để nhận tiếp cứu trợ Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar ngày 28/2 cho biết, nước này đã vượt qua lần xét duyệt thứ ba của các chủ nợ nước ngoài để có thể tiếp tục nhận tiền từ gói cứu trợ trị giá 78 tỉ euro. Theo đó, các kiểm toán viên từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF kết luận Bồ Đào Nha đã tuân thủ các điều kiện gắn với gói cứu trợ quốc tế được thông qua từ năm 2011. Sự đánh giá này bảo đảm cho Lítxbon sẽ nhận được khoản cứu trợ tiếp theo là 14,6 tỉ euro, đưa tổng số tiền nằm trong gói cứu trợ nói trên mà nước này đã nhận cho đến nay là 48,8 tỉ euro. Tháng 5/2011, Bồ Đào Nha đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ và đổi lại là một loạt biện pháp khắc khổ nhằm cắt giảm mạnh chi tiêu công và tăng thu nhập quốc gia. T.H

Báo Le Nouvel Observateur (Pháp) số ra mới đây đã đăng bài phân tích cho rằng, các “phương thuốc” đã sử dụng cho Hy Lạp dường như vô hiệu, khiến “căn bệnh” của Aten càng chữa càng nặng. Theo báo này, kèm theo gói cứu trợ thứ hai là những điều kiện ngặt nghèo dành cho Hy Lạp, trong đó có việc gây sức ép để các chủ nợ tư nhân Hy Lạp (các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm) xóa nợ dần cho nhà nước từ 21%, đến 50% rồi 70% với mục tiêu giảm nợ công của Hy Lạp từ 160% GDP hiện tại xuống còn 120% vào năm 2020. Để đạt được điều đó, Hy Lạp phải thật sự cải tổ kinh tế một cách sâu rộng để khôi phục đà tăng trưởng. Nhưng u ám thay, năm 2011, GDP của Hy Lạp lại giảm thêm 6%, còn năm nay cũng được dự báo không sáng sủa hơn.

Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng UniCredit có trụ sở tại Milan (Italia) lo ngại rằng gói cứu trợ mới một lần nữa sẽ chứng tỏ là quá ít ỏi để có thể giải quyết khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Trong khi đó, nhà phân tích Paul Donovan thuộc Ngân hàng UBS thì cảnh báo các gói cứu trợ cho Hy Lạp chỉ có thể đảm bảo cho việc vỡ nợ diễn ra một cách trật tự, thay vì diễn ra trong hỗn loạn, chứ không thể ngăn được tình trạng vỡ nợ tại quốc gia này.

Vậy là, Hy Lạp vẫn lâm “trọng bệnh” và việc thế giới tìm ra một “phương thuốc” nhiệm màu cứu chữa Aten xem ra vẫn còn quá xa vời.

Hồng Hạnh (Tổng hợp)