02:00 25/02/2012

Phe đối lập Xyri nhận vũ khí từ nước ngoài?

Ngày 24/2, một nguồn tin từ phe đối lập ở Xyri tiết lộ phương Tây và các quốc gia khác đang làm ngơ trước các hoạt động mua bán vũ khí của những người Xyri lưu vong. Đây là lực lượng đang buôn lậu vũ khí hạng nhẹ, thiết bị liên lạc và kính hồng ngoại cho phe đối lập ở Xyri.

Ngày 24/2, một nguồn tin từ phe đối lập ở Xyri tiết lộ phương Tây và các quốc gia khác đang làm ngơ trước các hoạt động mua bán vũ khí của những người Xyri lưu vong. Đây là lực lượng đang buôn lậu vũ khí hạng nhẹ, thiết bị liên lạc và kính hồng ngoại cho phe đối lập ở Xyri.



Lực lượng đối lập Xyri tại thành phố Idlib, tây bắc Xyri. Ảnh: Internet

Trong khi đó, những người ủng hộ phe đối lập ở Xyri cũng đang nỗ lực tìm cách chuyển các loại vũ khí phòng không và chống tăng cho Quân đội Xyri Tự do (FSA), chủ yếu gồm các các binh sĩ Xyri đào ngũ và thường dân.

Theo nguồn tin trên, các cuộc tiếp xúc cũng đang được tiến hành nhằm tìm cách để các sĩ quan đã nghỉ hưu của Xyri hoạt động với vai trò làm cố vấn trong nỗ lực điều phối lực lượng đối lập nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Nguồn tin nêu rõ: "Những vũ khí phòng thủ và tấn công đang được đưa đến từ bất cứ đâu, kể cả từ các nước phương Tây và không khó khăn để mang bất cứ thứ gì qua biên giới. Đó không phải là quyết định của bất cứ nước nào mà chỉ là việc các nước đang cho phép người Xyri mua vũ khí và vận chuyển vũ khí vào Xyri".

Cũng trong ngày 24/2, ngoại trưởng của khoảng 60 quốc gia đã tham dự hội nghị đầu tiên của nhóm “Những người bạn của Xyri” tại thủ đô Tuynít (Tuynidi) nhằm thảo luận các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Xyri. Một trong những nội dung chính của hội nghị là thảo luận về bản dự thảo tuyên bố chung do Mỹ, châu Âu và Liên đoàn Arập (AL) đề xuất, nhằm yêu cầu chính phủ của Tổng thống Assad phải ngừng bắn ngay lập tức và cho phép cứu trợ nhân đạo tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các cuộc xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập.

Văn bản này kêu gọi “chính phủ Xyri thi hành một lệnh ngừng bắn ngay lập tức đồng thời cho phép LHQ và các cơ quan nhân đạo được hoạt động một cách tự do, không bị cản trở để đánh giá đầy đủ nhu cầu cứu trợ tại Homs và các khu vực khác”. Dự thảo tuyên bố chung cũng yêu cầu Đamát phải cho phép các cơ quan cứu trợ nhân đạo chuyển giao hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tới thường dân bị ảnh hưởng bởi bạo lực ở Xyri.

Trước thềm hội nghị, phe đối lập Xyri tuyên bố sẽ kêu gọi phương Tây hỗ trợ, trang bị vũ khí và tìm kiếm sự công nhận của quốc tế tại sự kiện này. Lực lượng đối lập cũng cho biết sẽ yêu cầu thiết lập vùng cấm bay tại Xyri. Với lập trường ủng hộ phe đối lập Xyri, các nước phương Tây cũng đồng loạt tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Assad tại hội nghị này. Pháp cho rằng hội nghị này sẽ càng khiến Xyri bị cô lập, trong khi Anh tuyên bố sẽ thắt chặt hơn nữa vòng vây đối với chế độ của Tổng thống Assad. Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ yêu cầu Đamát cho phép quốc tế tiến hành cứu trợ nhân đạo tại Xyri.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc ngày 23/2 đã tái khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm về vấn đề Xyri. Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hai nước phản đối mọi nỗ lực gây sức ép nhằm thay đổi chế độ ở Xyri. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng khẳng định Trung Quốc sẽ không cử đại diện tham dự hội nghị quốc tế về Xyri và Bắc Kinh cần tiếp tục nghiên cứu về mục tiêu, ảnh hưởng cũng như cơ chế của hội nghị này. Trước đó, Nga cũng từ chối tham dự hội nghị này vì cho rằng nó được tổ chức với mục đích ủng hộ phe đối lập Xyri nên sẽ không thể góp phần chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài 11 tháng qua tại Xyri.

Thu Hằng