01:00 13/01/2012

Phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững

Ngày 12/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020...

Ngày 12/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị triển khai Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020; tổng kết công tác năm 2011 và bàn những nhiệm vụ, công tác trọng tâm năm 2012 của Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.


Các chàng trai, cô gái dân tộc Brâu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trong Lễ hội mừng nhà rông mới ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách khác của Đảng, Nhà nước, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ, phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện.

Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết, nhất là vấn đề đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng năm 2011, GDP toàn vùng tăng 13,52%, thu ngân sách tăng 16,8%, kim ngạch xuất khẩu tăng 29,9%, thu hút đầu tư toàn xã hội tuy chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng trên 10%, GDP bình quân đầu người đạt 21,8 triệu đồng, tăng gần 39%. Một số lĩnh vực xã hội như giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công... chuyển biến tích cực.

Toàn vùng đã giải quyết việc làm cho trên 103.000 lao động, trên 45.000 người được đào tạo nghề, giảm trên 8.990 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm từ 22,48% xuống còn 19,06%, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 44,99% xuống còn 40,48%). Một số vấn đề cấp thiết được dư luận quan tâm như bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý đất đai ở các nông, lâm trường, tình hình khai thác các dự án nông - lâm nghiệp và việc quy hoạch phát triển thủy điện... đã được tập trung chỉ đạo có kết quả. Một số chương trình trọng điểm như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở triển khai thực hiện khá tốt; việc thực hiện các chính sách dân tộc nói chung và một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm. Công tác y tế, văn hóa, giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân...

Sau khi biểu dương những thành tích mà các tỉnh Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã đạt được và yêu cầu nhanh chóng khắc phục những mặt tồn tại, thượng tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục quán triệt những quan điểm cơ bản, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và dự báo tình hình thực tế về Tây Nguyên trong thời kỳ sắp tới, tiếp tục khẳng định Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của cả nước. Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và đầu tư xứng đáng của Nhà nước về chính sách, nguồn lực, sự liên kết, hỗ trợ kịp thời của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước.

Trước mắt, thượng tướng Trần Đại Quang yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường, bao gồm cả quy hoạch, quản lý, sử dụng, thực hiện tốt chính sách đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đồng thời đảm bảo không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Từ nay đến năm 2015, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung giải quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, bảo đảm cho đồng bào làm chủ được mảnh đất của mình. Quy hoạch và đầu tư thích đáng để phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên. Các tỉnh cũng nâng cao chất lượng công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và giải quyết tốt vấn đề dân di cư đến ngoài kế hoạch ở cả nơi đi và nơi đến để đến năm 2015 ổn định các buôn làng, cụm dân cư, đưa các vùng dân di cư đến ngoài kế hoạch hòa nhập với sự phát triển của Tây Nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên cũng tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc, trên cơ sở bảo tồn tinh hoa văn hóa và bản sắc truyền thống, từng bước xây dựng giá trị mới về văn hóa nghệ thuật, hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng tốt hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội vùng Tây Nguyên.

Quang Huy