03:11 24/03/2012

Phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thống nhất quy mô dự án chống xuống cấp tháp Chămpa Phú Diên (huyện Phú Vang), với tổng nguồn vốn đầu tư 373 triệu đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Bảo vệ, chống xuống cấp tháp Chămpa Phú Diên

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thống nhất quy mô dự án chống xuống cấp tháp Chămpa Phú Diên (huyện Phú Vang), với tổng nguồn vốn đầu tư 373 triệu đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia. Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế là đơn vị làm chủ đầu tư với hình thức tu bổ, chống xuống cấp; thời gian thực hiện trong 1 năm.

Mục tiêu đầu tư nhằm chống xuống cấp, bảo tồn và phát huy giá trị khai thác di tích, phục vụ khách tham quan, bao gồm: Thay thế mới toàn bộ phần mái; thay thế vách kính, cửa kính của nhà bao che tháp; quét phụ gia chống ăn mòn bề mặt tháp, xây mới hố ga thu nước.

Tháp Chămpa Phú Diên nằm trên dải cát ven biển thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang, được phát hiện và khai quật vào năm 2001, sau nhiều thế kỷ bị vùi lấp trong cát. Đây là một trong những kiến trúc độc đáo còn lại của Chămpa trên đất cố đô Huế; là di tích có giá trị lớn về khoa học, lịch sử, văn hóa và du lịch. Do tháp nằm lọt thỏm, cách mặt đất khoảng 10 m, có hình đồ kiến trúc hình chữ nhật hướng đông - tây, nên kể từ khi phát hiện, địa phương đã cho xây một nhà kính khung sắt để bảo vệ. Tuy nhiên, nhà kính bảo vệ tháp hiện có nhiều ô đã bị đập vỡ, bị thấm dột, hư hại trước thời tiết khắc nghiệt của vùng biển; phần bệ ở chân tháp đã bị nghiêng khá nhiều so với khi được phát hiện.

Theo kết quả nghiên cứu, tháp Chămpa Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn, có niên đại thuộc thế kỷ thứ VIII, khởi đầu của kiến trúc Chămpa trước khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu có tính bền vững...

Nông dân Khmer tự ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống

Tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) đã tổng kết chương trình “Photovoice” – chương trình tiếng nói qua hình ảnh, đã được ISEE triển khai thực hiện từ giữa tháng 1/2012.

Tác phẩm “Trò chơi Bắc Kim Thang” của tác giả Trần Thị Huỳnh Mai.


Thực hiện chương trình này, Viện ISEE đã phát 50 máy chụp ảnh cho 50 nông dân là người dân tộc thiểu số ở 5 tỉnh là Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Trị và Sóc Trăng, mỗi tỉnh chọn 10 nông dân để thực hiện. Các nông dân được cấp máy ảnh đã ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày. Đây là việc làm rất có ý nghĩa trong việc nâng cao vai trò của người dân tộc thiểu số trong việc giới thiệu, tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Tại Sóc Trăng, được sự hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh, các cán bộ của ISEE đã đến làm việc cùng đồng bào Khmer ở 2 ấp Tâm Phước và Tâm Lộc (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên). Sau khi xác định các giá trị văn hóa cốt lõi của tộc người Khmer, cộng đồng đã cử ra 10 đại diện để chụp ảnh và kể lại các câu chuyện của mình. Nhóm đại diện gồm 6 nam và 4 nữ, thuộc nhiều lứa tuổi và có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Họ đều là những người nông dân thuần phác, nhưng có một điểm chung là hết sức tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, mong muốn được tự khám phá và giới thiệu văn hóa người Khmer đến đông đảo công chúng.

Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện chương trình “Photovoice” các tình nguyện viên ở Sóc Trăng đã chụp được hơn 10.000 bức ảnh, phản ánh sự đa dạng trong văn hóa của cộng đồng người Khmer. Sau khi chọn lựa, nhóm tình nguyện viên đã chọn ra được 320 bức hình có thể sử dụng cho các loại ấn phẩm khác nhau. Từ đó, lựa ra được 59 bức hình tiêu biểu chuẩn bị cho việc trưng bày triển lãm tại Thủ đô Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm chào mừng ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 4/2012.

Theo Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Phụ trách chương trình “Photovoice” tại Sóc Trăng, từ kết quả của chương trình Photovoice thực hiện tại 5 tỉnh đợt này, mỗi tỉnh sẽ chọn 50 bức ảnh đẹp nhất để đưa ra trưng bày, triển lãm tại các địa điểm công cộng, các bảo tàng và xuất bản thành sách, để có thể giới thiệu đến đông đảo công chúng. Đây cũng là một hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc Việt - Trung Hiếu