05:22 21/05/2015

Phát triển thương mại biên giới vùng Tây Bắc: Thương mại biên giới ngày càng đa dạng

Trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên thị trường, góp phần phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống cư dân biên giới cũng như sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trong những năm qua, hoạt động thương mại biên giới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nên sự biến đổi sâu sắc trên thị trường, góp phần phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống cư dân biên giới cũng như sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Phát triển kinh tế cửa khẩu


Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có phạm vi không gian 394 km2 bao gồm thành phố Lạng Sơn, thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc và một số xã của các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan, Chi Lăng. Được hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2008 theo Quyết định số 55/2008QĐ-TTg, ngày 28/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay khu kinh tế đã thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của riêng tỉnh Lạng Sơn mà còn là đầu mối giao lưu quan trọng của tuyến hành lang kinh tế và vành đai kinh tế ven Vịnh Bắc Bộ.

Các xe chở hàng chờ đến lượt xuất qua biên giới tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN


Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng, đan xen các yếu tố kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn xác định xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài của cấp ủy chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Theo số liệu của Bộ Công Thương năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới từ năm 2008 đến năm 2013 đạt trên 72 tỷ USD. Trong giai đoạn 2008 đến 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới cơ bản duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới luôn chiếm tỷ trọng lớn so với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với ba nước có chung biên giới. Điển hình là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới chiếm tỷ trọng trung bình 30% tổng kim ngạch thương mại song phương.

Kết quả tìm hiểu về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc cho thấy: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng trung bình hơn 20%/năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng trung bình trên 10%/năm trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ trọng cả hai nhóm này có xu hướng tăng dần lên từ năm 2010 (khoảng 30%/năm), trong đó có nhiều mặt hàng trước đây ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc, thì hiện nay có khả năng xuất khẩu trở lại như hóa chất, thiết bị phụ tùng, sắt thép, sản phẩm gỗ,... Tiếp đến là nhóm hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản trước đây chiếm tỷ trọng lớn khoảng 55 - 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng gần đây đang có xu hướng giảm dần chỉ chiếm khoảng 25%.

Với sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ cùng các bộ ngành trung ương, tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu đã có nhiều thay đổi, hoạt động thương mại, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Các tỉnh vùng Tây Bắc có cửa khẩu giáp ranh với nước bạn đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, tích cực cải cách thủ tực hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đa dạng hóa mặt hàng xuất nhập khẩu

Theo các cán bộ Hải quan, các mặt hàng xuất khẩu qua cửa khẩu các tỉnh Tây Bắc thường là hoa quả tươi, cao su, sản phẩm nông sản, thủy sản, lương thực, thực phẩm chế biến, gỗ, mặt hàng nguyên nhiên liệu, khoáng sản. Các mặt hàng nhập khẩu gồm: Máy móc, thiết bị thủy điện vừa và nhỏ, năng lượng, điện năng, máy móc - thiết bị, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, hóa chất, than cốc, nguyên liệu thuốc lá và hàng hóa tiêu dùng…

Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh thương mại biên giới đa dạng: xuất nhập khẩu trực tiếp, tạm nhập - tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi của cư dân biên giới. Phương thức kinh doanh tạm nhập - tái xuất, kho ngoại quan tăng trưởng không đều. Phương thức kinh doanh chuyển khẩu duy trì được sự tăng trưởng đều qua các năm. Phương thức trao đổi của cư dân biên giới về cơ bản duy trì được tăng trưởng đều qua các năm, với quy mô kim ngạch nhỏ nhất trong các phương thức thương mại qua biên giới.

Hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới diễn ra trên các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Ngoài ra, trên các tuyến biên giới còn có hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa của cư dân Trung Quốc, Lào kinh doanh tại một số chợ biên giới. Tại các tuyến biên giới, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới vẫn được duy trì thường xuyên, thực hiện các quy định về hàng hóa đối với cư dân biên giới được thông quan qua các cửa khẩu đảm bảo đúng quy định hiện hành. Giá trị hàng hóa mua, bán, trao đổi cư dân biên giới của 25 tỉnh biên giới Việt Nam (từ năm 2008 đến 9 tháng năm 2013) đạt 534 triệu USD. Hàng hóa mua, bán, trao đổi cư dân biên giới chủ yếu là nông, lâm sản, nông cụ, tư liệu sinh hoạt…

Xét riêng về thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, quy mô của thương mại qua biên giới giữa hai nước trong thời gian qua chiếm tỷ trọng trung bình trên 24% trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Trung. Hàng hóa xuất nhập khẩu, trao đổi qua biên giới rất phong phú, đa dạng, phản ánh được khá đầy đủ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu trong thương mại Việt - Trung nói chung. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nhóm hàng nông lâm thủy sản như đường, gạo, cao su, sắn và sản phẩm của sắn, hoa quả tươi các loại (dưa hấu, vải quả, chuối, thanh long, xoài...). Còn hàng hóa nhập khẩu là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất như phân bón các loại, nguyên liệu lá thuốc lá, than cốc, hóa chất…, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng và điện năng.

T.Thuần - V.Tôn