04:20 03/04/2015

Phát triển ngành cà phê vẫn bấp bênh

Niên vụ sản xuất cà phê năm 2014 - 2015 đã kết thúc, nhà nông, doanh nghiệp, ngành chức năng đang đau đầu với bài toán nâng cao hiệu quả cho cây cà phê.

Niên vụ sản xuất cà phê năm 2014 - 2015 đã kết thúc, nhà nông, doanh nghiệp, ngành chức năng đang đau đầu với bài toán nâng cao hiệu quả cho cây cà phê.

Năng suất cà phê giảm

Năm nay nhà nông tiếp tục thường trực nỗi lo mất mùa. Thông thường, việc tưới nước đợt 2 cho cây cà phê đã hoàn tất từ đầu tháng 3 nhưng năm nay với diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, nhà nông vẫn đang loay hoay tìm nguồn nước cứu hạn cho diện tích cà phê của mình.

Thời tiết bất lợi, giá xuất khẩu thấp... đang gây nhiều thiệt thòi cho người trồng cà phê. Ảnh: CTV


Đây là giai đoạn cây cà phê bước vào thời kỳ cao điểm tưới nước, trong khi đó do hạn hán, hệ thống sông suối, hồ đập đã cạn kiệt ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng. Thiệt hại sẽ nặng nề hơn đối với với những vườn cà phê nông hộ trồng xa nguồn nước, thiếu quy hoạch khoa học.

Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối tháng 3, hơn 3.500 ha cà phê của bà con trong vùng đang đối mặt với thiệt hại nặng nề do khô hạn. Còn tại tỉnh Gia Lai ước tính có gần 1.200 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, của người dân bị ảnh hưởng do hạn... Ước tính của bà con năm nay năng suất cà phê có thể giảm mạnh từ 30 - 40% vào vụ 2015 - 2016.

Trước đó, năm 2014 do thời tiết bất thường kết hợp với nguồn nước bị thiếu hụt, một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa thấp gây tình trạng cây cà phê bị nhiễm “cúm” khi ra hoa. Ngoài ra, đến nay diện tích cà phê già cỗi với tuổi đời trên 20 năm ở Tây Nguyên chiếm hơn 100.000 ha, cần phải tái canh, nhưng thực tế quá trình triển khai còn chậm.

Xuất khẩu sụt giảm Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước đã xuất khẩu ước hơn 350.000 tấn cà phê, đạt giá trị kim ngạch gần 734 triệu USD, giảm hơn 41% về khối lượng và 37% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy giá cà phê tại thị trường London bất ngờ giảm mạnh trong phiên giao dịch vừa qua, chỉ còn 2.628 USD/tấn, giảm 146 USD/tấn khiến giá cà phê Việt Nam xuất khẩu giảm theo, chỉ còn 2.445 USD/tấn (giảm 190 USD/tấn).



“Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ vừa qua dự kiến sẽ giảm 20 - 25% so với niên vụ trước và các năm tiếp theo khả năng mất mùa là rất lớn”, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đánh giá.

Chưa vơi nỗi buồn năng suất giảm, nhà nông càng héo hon hơn khi giá cả thu mua không được như ý. Tính tới thời điểm cuối tháng 3, giá thu mua cà phê trong nước tiếp tục giảm nhẹ khi chỉ đạt khoảng 37.000 đồng/kg, giảm từ 3000 - 4000 đồng/kg so với đầu vụ.

“Giá cà phê thu mua phải vượt ngưỡng 40.000 đồng/kg trở lên nhà nông mới mong có lời dành cho tái đầu tư. So với năm 2014, giá phân bón vô cơ tăng thêm hơn 50.000 đồng/bao. Giá nhân công, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng liên tục... Với giá cả như hiện nay, trung bình mỗi ha cà phê nhà nông chịu lỗ khoảng 10 triệu đồng/ha”, anh Ngô Văn Quyên ở huyện Mang Yang (Gia Lai) tính toán.

Xuất khẩu nhiều, giá trị ít


Khảo sát của các ngành chức năng, do chủ yếu xuất khẩu thô đã dẫn đến hậu quả “nhãn tiền” là tên tuổi của cà phê trong nước chưa được thế giới biết đến nhiều, giá trị gia tăng còn thấp. Về khối lượng xuất khẩu, cà phê Việt Nam chiếm đến 20%, nhưng xét về giá trị chỉ được khoảng 2% thị phần cà phê thế giới.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho biết, giống như những loại nông sản chủ lực khác, cà phê xuất khẩu cũng chỉ bán ở dạng nguyên liệu, chưa qua chế biến sâu. Các nước nhập khẩu mua sản phẩm về sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác sau đó bán ra thị trường với giá cao hơn nhiều.

Hiện cả nước có khoảng 40 nhà máy chế biến, đạt công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm, nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở công đoạn sơ chế như bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại sản phẩm cà phê xô... “Vì vậy muốn ngành cà phê phát triển, đem về giá trị xuất khẩu lớn không còn cách nào khác, người làm cà phê của Việt Nam phải tìm cách xây dựng thương hiệu riêng, qua đó mới nâng cao được giá trị gia tăng”, ông Hòa nhấn mạnh.

“Nhưng muốn như vậy chúng ta phải có chính sách tín dụng đặc biệt ưu đãi đối với dự án chế biến cà phê hòa tan. Song song đó là đồng bộ các kế hoạch tiếp thị, xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững cả trong và ngoài nước... “, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam kiến nghị.


Lê Nghĩa