03:17 26/03/2015

Phát triển đô thị ven sông Đồng Nai: Nên tham vấn về môi trường

Việc UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định chấp thuận đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Việc UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định chấp thuận đầu tư Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (rộng hơn 84.000m2) cho Công ty cổ phần Đầu tư-Kiến trúc-Xây dựng Toàn Thịnh Phát triển khai khu đô thị Pegasus Residence, đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Dự án này có phần diện tích lấn sông lên tới hơn 77.200m2, san lấp và thu hẹp dòng chảy sông Đồng Nai dài 1,3 km; đoạn lấn nhiều nhất bề rộng san lấp từ hành lang sông chạy ra hướng giữa sông lên đến 100m, nhưng chỉ thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiêm Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai Bùi Cách Tuyến cho rằng, tỉnh Đồng Nai nên có đánh giá bổ sung và tham vấn các thành viên Ủy ban bảo vệ môi trường sông Đồng Nai.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN


Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, UBND tỉnh Đồng Nai đã xem xét, đánh giá để làm cơ sở triển khai các dự án cải tạo bờ sông Đồng Nai từ lâu. Ngay từ năm 2007, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đề tài đánh giá tác động dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa. Sở đã mời Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đánh giá tác động dòng chảy theo mục tiêu kè lấn sông. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đã mời Viện Thủy lợi và Môi trường, Trường Đại học Thủy lợi thẩm tra và thống nhất kết quả đánh giá. Dựa trên kết luận của 2 cơ quan khoa học kể trên và UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3569/QĐ-UBND ngày 1/12/2009 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đoạn từ cầu Hóa An đến Cầu Ghềnh thuộc Thành phố Biên Hòa.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho thực hiện ĐTM chủ yếu cho phần xây dựng trên mặt đất vì đã có đánh giá dòng chảy. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã ra Quyết định số 245/QĐ-STNMT ngày 26/3/2014 thành lập Hội đồng thẩm định. Sau khi Hội đồng họp, Sở đã có Tờ trình số 468/TTr-STNMT ngày 13/5/2014 đề nghị UBND xem xét, ban hành Quyết định số 1508/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của UBND tỉnh, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nêu trên. Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh về đánh giá tác động môi trường riêng cho phần xây dựng.

Tại Phiên họp lần thứ 8 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22/12/2014 của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, đã thống nhất bầu ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai là Chủ tịch nhiệm kỳ thứ ba (2015-2017). Tuy là Phó Chủ tịch, nhưng Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cũng chưa được hỏi ý kiến về việc này. Mặt khác, UBND tỉnh Đồng Nai cũng không tham vấn ý kiến các thành viên của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

Một đoạn sông Đồng Nai. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN


Ngay sau khi nắm bắt được thông tin Dự án qua phương tiện truyền thông, báo chí, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai báo cáo trực tiếp qua email và đã nhận được báo cáo vào ngày 19/3/2015. Sau đó, Thứ trưởng đã chỉ đạo Văn phòng Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai liên hệ trực tiếp với Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan để nắm rõ các thông tin về Dự án cũng như tiến độ hiện tại, để kịp thời xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chuẩn bị Công văn gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo cụ thể về tình hình triển khai Dự án.

Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định: “Nếu tôi được tham vấn, trước tiên căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, theo đó không có quy định cụ thể việc giám sát các dự án lấp sông hoặc cải tạo bờ mà không phát sinh tranh chấp liên tỉnh. Tôi sẽ khuyến cáo UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lý do là trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 có quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước (Điều 31); về các hành vi bị nghiêm cấm (Khoản 5 Điều 9); về việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và tổ chức cá nhân có liên quan (Điều 6). Việc triển khai Dự án trên ở tỉnh Đồng Nai chủ yếu bị chi phối và điều chỉnh bởi Luật Tài nguyên nước”.

Đề cập về những diễn biến có thể xảy ra nếu như đồng ý cho lấp đoạn sông Đồng Nai như hiện nay, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhận xét: Để có cơ sở cho phép tiến hành Dự án, UBND tỉnh Đồng Nai đã dựa theo báo cáo đánh giá tác động dòng chảy sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh, thuộc thành phố Biên Hòa của Viện khoa học Thủy lợi miền Nam và thẩm tra của Viện Thủy lợi và Môi trường - Trường Đại học Thủy lợi. Tuy vậy, trước nhiều ý kiến trái chiều hiện nay, tỉnh nên mời thêm một số cơ quan độc lập tiến hành một số đánh giá bổ sung để có thêm kết luận chính xác, chắc chắn hơn về các tác động có thể có của Dự án đối với tài nguyên nước và môi trường của sông Đồng Nai, đồng thời tham vấn ý kiến của các bên liên quan.

Quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai là san lấp ảnh hưởng không đáng kể đến chất lượng nước cấp, vì cửa lấy nước cho Nhà máy Hóa An nằm xa hơn điểm dự án khoảng 1 km về phía thượng nguồn. Nhưng nếu đổ đất đá thuần túy (không có tạp chất nguy hại) thì ít ảnh hưởng chất lượng nước sông. Vấn đề đáng lưu ý là do không có đê kè nên đất đá tràn theo mặt nghiêng đáy sông và có thể xảy ra các diễn biến bất lợi khác. Đây là vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước. Trong phiên họp ngày 25/3 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu và có ý kiến đối với UBND tỉnh Đồng Nai về việc này.


Kim Liên (TTXVN)