08:00 10/08/2012

Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí Việt Nam

Cuộc hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí Việt Nam” do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí tổ chức sáng 9/8, tại Hà Nội

Cuộc hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí Việt Nam” do Báo Công Thương phối hợp với Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí tổ chức sáng 9/8, tại Hà Nội, đã chỉ ra một thực tế: Dù cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí đã khá đầy đủ, nhưng tác động và hiệu quả còn rất hạn chế, nên chưa thực sự là động lực giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Ông Nguyễn Hữu Quý - Phó TBT Báo Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo.

 

Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí là yêu cầu bức thiết đặt ra tại hội thảo này.


Gần chục tham luận được trình bày trong Hội thảo đã tập trung phản ánh các vấn đề như “Chính sách công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp Việt Nam, tình hình thực hiện”, “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam”, “Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo máy của Việt Nam”, “Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí”… Nhìn chung các đại biểu đều cho rằng: Mặc dù chính sách ở tầm vĩ mô đã có nhiều chuyển biến đáng kể nhưng vẫn chưa chạm tới được các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.


Là doanh nghiệp đang phải nhập khẩu tới 90% lượng nguyên vật liệu để phục vụ cho việc chế tạo, gia công trong nước, đại diện Công ty Doosan Vina khẳng định: Hiện Chính phủ đã ban hành chương trình cơ khí trọng điểm, chương trình nội địa hóa sản phẩm và nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích hỗ trợ cho ngành công nghiệp cơ khí trong nước nhưng trên thực tế, các cơ chế này vẫn chưa có hiệu quả.


Còn đại diện Công ty ô tô Trường Hải chỉ ra thực tế: Ngành công nghiệp ô tô được kỳ vọng đến năm 2010 đạt tỉ lệ nội địa hóa từ 40-60%, đáp ứng nhu cầu trong nước từ 60-80%, hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng. Tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt, đặc biệt với dòng xe con và xe chuyên dùng tỷ lệ nội địa hóa hiện tại dưới 20%. Vị đại diện này khẳng định: Muốn thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí phát triển, phải có chính sách xây dựng và phát triển thị trường, đảm bảo dung lượng thị trường bền vững, ổn định theo nền kinh tế. Đối với ngành ô tô, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ công ty trong nước hợp tác với các hãng ô tô lớn, tiếp nhận công nghệ, xây dựng cơ sở sản xuất hướng đến xuất khẩu như hỗ trợ xuất khẩu trong những năm đầu, hỗ trợ xúc tiến thị trường tại khu vực ASEAN.


Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, trước hết phải xác định được các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ để tập trung đầu tư, phát triển thị trường, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí phải làm tốt vai trò “cầu nối” giữa các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp cơ khí, từng bước tạo ra sự phân công, hợp tác sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành các liên kết dưới dạng đối tác chiến lược hoặc công ty mẹ con giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp vệ tinh cung cấp một số loại linh kiện, chi tiết.


P.V