05:12 25/05/2014

Phát triển chưa như kỳ vọng

Hơn mười năm qua, kể từ khi Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được phê duyệt, lĩnh vực này đã có những thay đổi căn bản, từng bước hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, một số chủ trương và mục tiêu đề ra trong chiến lược vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Hơn mười năm qua, kể từ khi Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được phê duyệt, lĩnh vực này đã có những thay đổi căn bản, từng bước hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, một số chủ trương và mục tiêu đề ra trong chiến lược vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.


Thị trường đang có nhu cầu lớn về máy móc, công cụ hỗ trợ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Ảnh: K’gửi H

 

Theo nhận định, có một vài cơ chế, chính sách được triển khai có kết quả tốt như cơ chế 797/400 về chế tạo thiết bị cơ khí thủy công. Trong khi đó, nhiều chính sách gặp khó khăn trong quá trình triển khai như các Chỉ thị 494/CT-TTg và 734/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu thầu khó triển khai vì chủ đầu tư chưa tin tưởng vào các nhà thầu trong nước và các cơ quan quản lý thiếu kiểm tra quyết liệt quá trình thực thi của chủ đầu tư. Các chính sách hỗ trợ của Chương trình cơ khí trọng điểm theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg gặp nhiều khó khăn về tài chính do Ngân hàng Phát triển Việt Nam khó khăn về nguồn vốn, đến nay mới chỉ có 2/11 dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được giải ngân...


Trong khi các DN hỗ trợ ngành xe máy thành công thì các ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí khác (ô tô; điện tử - tin học; dệt - may; da giầy; cơ khí chế tạo...) chưa phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Lý do nổi cộm nhất là: các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do chúng ta sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và sự ổn định, giá cả và mẫu mã theo yêu cầu của các DN sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh (chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) nên chưa tham gia được chuỗi cung ứng của họ. Quy mô thị trường của các DN sản xuất sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh trong nước còn rất nhỏ, nhưng lại rất đa dạng về chủng loại nên không đảm bảo qui mô kinh tế, khó thu hút được các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vì không đảm bảo hiệu quả đầu tư....


Riêng đối với sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, thực hiện Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho 11 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 11 dự án, chỉ có 3 dự án đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam đồng ý cho ký Hợp đồng tín dụng vay vốn. Còn lại các dự án khác do vướng mắc về thủ tục và hồ sơ, chưa trình hồ sơ vay vốn với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.


Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ, đánh giá: Nguyên nhân dẫn tới ngành cơ khí của chúng ta phát triển còn chậm một phần là do các cấp ngành chưa nhìn nhận đầy đủ về chiến lược phát triển của ngành cơ khí, trong khi chúng ta đã xác định đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp nhưng hiện những gì đang làm thì khó đạt mục tiêu trên.


Ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí vừa thiếu vừa yếu về chuyên môn, không đủ điều kiện để quán xuyến thường xuyên hoặc tư vấn cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, dù đã là năm 2014, nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán đầu tư cơ khí trọng điểm cho nước nhà sẽ như thế nào để cơ khí Việt Nam đủ nội lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước thực trạng trên của ngành cơ khí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch của ngành cơ khí; xác định lĩnh vực, sản phẩm cơ khí ưu tiên, nhất là sản xuất máy phục vụ phát triển nông nghiệp, khai thác đánh bắt thủy hải sản, chế biến thủy sản, các thiết bị cho vận tải... Lưu ý việc rà soát, xây dựng chiến lược quy hoạch phải đặt trong điều kiện thực tế cụ thể của kinh tế thị trường và trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.


Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến đất đai, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng cho DN và thuế bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đi đôi với đó là xây dựng các chính sách tín dụng phù hợp nhằm phát triển thị trường cho ngành cơ khí; thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ...


Đối với các DN cơ khí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, các DN cần hết sức quan tâm nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, năng lực thiết kế, chế tạo, đẩy mạnh cổ phần hóa, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam. Thủ tướng cũng lưu ý việc kiện toàn bộ máy, tổ chức của Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo đối với sự phát triển của ngành cơ khí...


Nhiều ý kiến của DN cơ khí kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về thuế, nhà xưởng, khuyến khích phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất máy móc, công cụ hỗ trợ cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... bởi nhu cầu đối với các sản phẩm này trên thị trường hiện đang rất lớn. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành cơ khí.

 

Các loại sản phẩm cơ khí được thị trường chấp nhận

Đến nay, các sản phẩm ngành cơ khí Đắk Lắk cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến các loại nông sản, xây dựng các công trình công nghiệp - giao thông - thủy lợi - xây dựng dân dụng; sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị cơ khí động lực... Các loại sản phẩm cơ khí phong phú, đã được thị trường trong nước chấp nhận và một số sản phẩm đã xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Indonesia như bơm nước các loại, pét tưới, thiết bị xát khô cà phê, thiết bị hái cà phê... do các Công ty TNHH Xuân Hòa, Công ty TNHH cơ khí Viết Hiền, Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Đắc Hải… sản xuất.

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên

 

Sản phẩm “sáng chế” ứng dụng thực tiễn

Hiện nay những sản phẩm Khoa học và Công nghệ từ cơ khí chế tạo được áp dụng rộng rãi ở các địa phương. Những sản phẩm đó hầu hết sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, cũng chính từ bàn tay của người nông dân làm ra. Thông qua thực tiễn nhu cầu sản xuất đã thôi thúc người dân tìm tòi, tự chế tạo ra những sản phẩm có ích cho mình. Sản phẩm họ tự “sáng chế” áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, hiện đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều địa phương. Qua thực tế đó, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông cũng đã triển khai công tác hướng dẫn những “kỹ sư nông dân” làm hồ sơ đang ký “giải pháp hữu ích”.

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông

 

Giải quyết khâu bảo quản

Là một trong những sáng chế rất phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Máy sấy này giải quyết khâu bảo quản khi trời mưa nắng thất thường ảnh hưởng đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm nông nghiệp như ngô, lúa, đậu... Trước kia khi chưa có máy sấy nông sản, người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn trong khâu thu hoạch. Do thời tiết thất thường nên việc phơi, bảo quản bắp, đậu hay bị thối. Có máy sấy, bà con yên tâm tin dùng khi đến mùa thu hoạch gặp trời mưa vẫn đảm bảo được chất lượng nông sản. Ngoài giải quyết được tiện ích, máy sấy nông sản còn giảm chi phí nhân công lao động, chất lượng sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt.

Ông Nguyễn Yên Hoài, xã Đắk Drồ, huyện Krông Nô


Quang Toàn