04:07 02/04/2015

Phát triển cây mắc ca vùng Tây Nguyên: Cây công nghiệp chiến lược mới

Mắc ca - loại cây trồng được mệnh danh là “cây tỷ đô” đang được hướng đến trở thành cây công nghiệp chiến lược mới ở Tây Nguyên. Có thể nói, đây là cơ hội để người dân Tây Nguyên phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với các nhà quản lý.

Mắc ca - loại cây trồng được mệnh danh là “cây tỷ đô” đang được hướng đến trở thành cây công nghiệp chiến lược mới ở Tây Nguyên. Có thể nói, đây là cơ hội để người dân Tây Nguyên phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức đối với các nhà quản lý.

Cơ hội mới

Theo giới chuyên môn, vùng sinh thái phù hợp để trồng mắc ca khá hạn hẹp. Để mắc ca có thể sinh trưởng và cho thu hoạch tốt, vùng trồng phải đáp ứng được ba yếu tố về nhiệt độ, đất đai và độ cao so với mặt nước biển. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là biên độ nhiệt, đặc biệt là nhiệt độ trong mùa ra hoa. Qua khảo sát, tại Việt Nam có hai vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển loại cây trồng mới mẻ này là Tây Nguyên và Tây Bắc.
Thực tế trồng thử nghiệm mắc ca ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông cho thấy, trồng hơn bốn năm nay đã cho bói quả với sản lượng trung bình 28 - 32 tạ quả tươi/ha mỗi năm. Một số mô hình trồng cây mắc ca xen cà phê được người dân đánh giá cho thu nhập cao hơn so với cây cà phê, lý do là cây mắc ca chịu hạn tốt, ít công chăm sóc và chưa bị sâu bệnh gây hại. Đánh giá bước đầu cho thấy, loại cây trồng này đã đem lại hiệu quả bước đầu, tăng thu nhập cho người dân Tây Nguyên.

Diện tích cây mắc ca trồng thử nghiệm tại Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên từ năm 2008. Ảnh: Dương Giang - TTXVN



Tại hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên được tổ chức mới đây tại Lâm Đồng, ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, nhận định: Tại Việt Nam có hai vùng tự nhiên rất phù hợp để phát triển cây mắc ca trên diện tích rộng là Tây Nguyên và Tây Bắc. Đây là loại cây có thể trồng xen với các loại cây công nghiệp truyền thống ở Tây Nguyên như là cà phê, tiêu, điều. Tuy nhiên trong quá trình phát triển mắc ca cần rút kinh nghiệm từ việc canh tác cây nông nghiệp khác để xây dựng chuỗi giá trị cho cây mắc ca, nâng cao giá trị xuất khẩu, tránh tình trạng mất mùa được giá và tránh bẫy trở thành quốc gia cung cấp nguyên liệu giá rẻ.

Theo nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các giống mắc ca trồng ở Tây Nguyên như H2, 508 có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, đặc biệt giống OC khá phù hợp với điều kiện sinh thái Tây Nguyên, cho năng suất cao, cỡ hạt lớn, ít sâu bệnh, cây có độ tán cân đối, vững chắc. Ngoài ra, cây mắc ca còn có những lợi thế không nhỏ như kỹ thuật trồng đơn giản, cây có tính chịu đựng tốt, vừa không có sâu, bệnh hại, lại có thể chịu hạn, sương muối, giá rét…, chỉ có kẻ thù là chuột. Cây mắc ca lại có thể trồng xen với cà phê, đáp ứng được yêu cầu cần có bóng mát của cây cà phê. Khi áp dụng mô hình nông nghiệp không gian: Trên tầng cao là cây mắc ca, tầng dưới là cây cà phê thì thế giới không có mô hình nông nghiệp nào có thể so sánh được về hiệu quả kinh tế như vậy.

Còn nhiều thách thức

Thực tế trong những năm trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Tây Nguyên đã rõ, cây mắc ca hoàn toàn có thể sinh trưởng bình thường ở vùng đất này. Tuy nhiên, để “cây tỷ đô” phát triển một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài với mục tiêu thay thế cho một số loại cây trồng lâu đời ở Tây Nguyên thì lại là một bài toán còn nan giải. Đó là thị trường đầu ra cho sản phẩm, quy trình chăm sóc, sản xuất và ứng dụng công nghệ cao khai thác chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây mắc ca…

Cây mắc ca (tên khoa học là macadamia) là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trên thế giới, mắc ca hiện được trồng nhiều ở Ôxtrâylia, Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Phi, Nam Mỹ. Từ năm 1994, Việt Nam đã trồng khảo nghiệm loài cây này tại một số vùng ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Theo thống kê, hiện nay toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 2.500 ha mắc ca. Trong đó, tại tỉnh Lâm Đồng có gần 1.000 ha, Đắk Lắk 800 ha, Đắk Nông 600, Gia Lai có khoảng 80 ha và 50 ha ở tỉnh Kon Tum.

Giáo sư Hoàng Hòe, nguyên Viện trưởng Viện điều tra quy hoạch rừng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), một trong những người đầu tiên đưa mắc ca về Việt Nam, góp ý: “Rút kinh nghiệm từ việc trồng ồ ạt cây cao su, cà phê rồi không có đầu ra ổn định khiến người dân chịu thiệt, chúng ta phải quan tâm đến chiến lược phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Nguyên ngay từ đầu. Ví dụ trong 5 năm tới, chúng ta chỉ trồng khoảng 200.000 ha cây mắc ca, chiếm 1/5 tổng diện tích thích hợp trồng cây này ở Tây Nguyên. Song song với đó, phải quan tâm đến thị trường tiêu thụ, chiến lược đầu tư, coi trọng năng suất và hiệu quả để phát triển loài cây này một cách vững chắc”.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cây mắc ca đang được định hướng trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đây là cơ hội cần nắm bắt, qua đó cần có những giải pháp căn bản để biến triển vọng thành hiện thực và đem lại hiệu quả bền vững nhiều mặt. Việc cần làm trước mắt là phải xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển mắc ca ở các vùng có tiềm năng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ sản xuất chế biến sản phẩm từ cây mắc ca. Xây dựng chính sách ưu đãi về nguồn vốn để phát triển mắc ca… qua đó tiến tới mắc ca phải trở thành sản phẩm quốc gia và đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ mắc ca của thế giới.

Bài và ảnh: Nguyễn Dũng