03:09 11/03/2012

Phát triển bóng đá Việt Nam: Cần lắm một Giám đốc kỹ thuật

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam không phát triển được, đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 quốc gia liên tục thất bại ở đấu trường khu vực, là do chúng ta mất phương hướng.

Một trong những nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam không phát triển được, đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 quốc gia liên tục thất bại ở đấu trường khu vực, là do chúng ta mất phương hướng. Bóng đá Việt Nam vào lúc này chẳng khác gì một người mù cầm gậy dò đường, hay một người sáng nhưng cứ nhắm tịt mắt, chẳng biết đi về đâu.

Kiến trúc sư trưởng

Thực tế đó cho thấy, để có thể phát triển một cách bền vững, bóng đá Việt Nam nhất thiết phải có một người làm công tác định hướng, đưa đường chỉ lối. Ở các nền bóng đá phát triển, trách nhiệm hoạch định chiến lược ấy được trao cho Giám đốc kỹ thuật. Đó là một người uy tín, hiểu biết sâu về bóng đá, có đầu óc, nhận được sự tin tưởng đồng thời chịu sự giám sát của Liên đoàn bóng đá quốc gia.

Thực ra, vấn đề Giám đốc kỹ thuật cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không hề mới, đã từng được đặt ra từ trước đây khá lâu, với sự tham gia đóng góp ý kiến của những chuyên gia tên tuổi như ông Nguyễn Văn Vinh (Giám đốc kỹ thuật câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai), ông Dương Nghiệp Chí (nguyên Chủ tịch VFF) hay ông Phan Anh Tú (Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội). 

“Tôi nghĩ chúng ta hiện thời thiếu một Giám đốc kỹ thuật để định hướng cho bóng đá Việt Nam dưới sự giám sát của Liên đoàn bóng đá Việt Nam hơn là cần một huấn luyện viên ngoại. Ai nói chúng ta chưa cần thiết phải có Giám đốc kỹ thuật thì có bao lâu nữa, bóng đá Việt Nam cũng vẫn thế thôi” - Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc kỹ thuật câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, phát biểu vào đầu năm 2008.


Tuy nhiên, đề xuất phải có Giám đốc kỹ thuật cuối cùng vẫn bị VFF gạt đi, với lý do hoàn cảnh bóng đá Việt Nam hiện tại chưa phù hợp với mô hình của các nền bóng đá chuyên nghiệp, dễ xảy ra sự chồng chéo, không hiệu quả. Cũng có người sợ rằng, vị Giám đốc kỹ thuật kia, nếu được bổ nhiệm, sẽ chẳng có việc gì để làm. Các công việc cần thiết thì những phòng ban của VFF hay huấn luyện viên trưởng đã xử lý hết!

Giám đốc kỹ thuật mới là người biết bóng đá Việt Nam cần gì, hướng đến cái đích nào với lộ trình ra sao. Một cách ví von, Giám đốc kỹ thuất giống như vị kiến trúc sư trưởng, quy hoạch sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Các huấn luyện viên chỉ là những người thợ được thuê để thi công công trình do Giám đốc kỹ thuật hoạch định.

Xét cho cùng, cách dùng huấn luyện viên ngoại của VFF bấy lâu nay cũng chỉ là một kiểu đối phó, lấy thành tích trước mắt lấp liếm cho sự hạn chế phát triển lâu dài. Cũng vì thế mà bấy lâu nay, bóng đá Việt Nam chưa thể thoát khỏi “ao làng” Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm cỡ châu lục hay thế giới, chen chân vào tốp này, tốp nọ.

Một khi có Giám đốc kỹ thuật thì việc thay đổi huấn luyện viên trưởng sẽ không tạo ra sự xáo trộn quá lớn như tình cảnh của bóng đá Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Cứ mỗi đời huấn luyện viên, chúng ta lại đập đi, xây lại mới hoàn toàn. Xây rồi lại đập, đập rồi lại xây, cứ điệp khúc như vậy thì biết bao giờ công trình bóng đá Việt Nam mới có được một hình hài cơ bản?

Matthias Sammer, người mang lại sự phát triển liên tục cho bóng đá Đức trên cương vị Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá quốc gia


Bài học từ nước Đức

Trên thế giới, có vô vàn minh chứng về vai trò của Giám đốc kỹ thuật đối với sự phát triển của cả nền bóng đá. Nước Đức, quê hương của huấn luyện viên Falko Goetz, có một nền bóng đá rất phát triển với đội tuyển quốc gia từng ba lần vô địch châu Âu và ba lần vô địch thế giới, sở hữu giải vô địch quốc gia nằm trong tốp đầu của châu Âu, là một ví dụ.

Một thời gian dài rơi vào khủng hoảng phương hướng kể từ sau lần đăng quang ở EURO 1996, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã quyết định khai sinh chức danh Giám đốc kỹ thuật. Trọng trách quy hoạch sự phát triển của cả nền bóng đá được trao cho cựu ngôi sao Matthias Sammer, người đã từng gặt hái thành công cả trên cương vị cầu thủ cũng như huấn luyện viên.

Đến ngày 1/4 tới, Sammer sẽ có tròn 6 năm trên cương vị Giám đốc thể thao của DFB. Đội tuyển Đức chưa vô địch thế giới hay châu Âu thêm một lần nữa trong suốt thời gian tại vị đó của Sammer, nhưng “Die Mannschaft” cũng đã hai lần xếp thứ ba ở World Cup (2006, 2010) và một lần là á quân EURO (2008), nghĩa là thành tích rất ổn định.

Không chỉ dừng lại ở đó, Sammer còn tập trung chăm lo công tác đào tạo trẻ, chú trọng vào sự phát triển của lứa cầu thủ từ 11 đến 18 tuổi. Ngoài ra, vị Giám đốc kỹ thuật này còn cập nhật sự phát triển của khoa học trong thể thao vào lý thuyết, giáo án đào tạo của DFB. Ông cũng hợp tác chặt chẽ với huấn luyện viên Joachim Loew trong việc xây dựng hệ thống chiến thuật cho các đội tuyển của bóng đá Đức, từ cấp độ trẻ đến cấp độ đội tuyển quốc gia.

Chính nhờ đó mà trong vài năm qua, bóng đá Đức đã sản sinh ra hàng loạt tài năng trẻ đầy triển vọng. Khi giải vô địch quốc gia Đức trở nên chật chội, các cầu thủ Đức dần đánh chiếm trở lại các “thị trường” nước ngoài mà họ từng có chỗ đứng trước đây, như Tây Ban Nha (Sami Khedira, Mesut Oezil ở Real Madrid), Anh (Per Mertesacker ở Arsenal) hay Italia (Miroslav Klose ở Lazio). Sắp tới, số lượng cầu thủ Đức ra nước ngoài thi đấu chắc chắn sẽ còn gia tăng.

Có nhiều cầu thủ giỏi lại được đào tạo trong cùng một hệ thống, phát triển trên cùng một tư duy nên đội tuyển Đức không gặp nhiều khó khăn trong việc trẻ hóa đội hình cũng như thay thế cầu thủ trong những tình huống bất khả kháng. Một cầu thủ tuổi 18 cũng có thể nhanh chóng hòa nhập với các đàn anh ở đội tuyển quốc gia, vì môi trường và lối chơi đều rất quen thuộc, ít bị “sốc” do thay đổi. Tương tự là trường hợp của một cầu thủ dự bị khi được tung vào sân ở đội hình xuất phát.

Khoảng cách giữa bóng đá Đức nói riêng, và các nền bóng đá phát triển nói chung, so với bóng đá Việt Nam là quá lớn. Nhưng không vì thế mà chúng ta không hướng ngay đến sự chuyên nghiệp cần phải có. Cái may của người đi sau là có sẵn mô hình do người đi trước tạo ra để học hỏi và áp dụng. Đã đến lúc VFF cần suy nghĩ nghiêm túc về vị trí Giám đốc kỹ thuật, thay vì cứ chơi trò thay huấn luyện viên như thay áo bấy lâu nay!

Đông Hà, thethaovanhoa.vn