08:05 22/08/2012

Phát huy vai trò của người uy tín trong các buôn làng dân tộc ở Gia Lai

Toàn tỉnh Gia Lai có 1.259 người có uy tín gồm các già làng, trưởng bản và các chức sắc tôn giáo. Đây là những người có năng lực, trình độ và biết chăm lo cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh Gia Lai có 1.259 người có uy tín gồm các già làng, trưởng bản và các chức sắc tôn giáo. Đây là những người có năng lực, trình độ và biết chăm lo cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.


Điển hình như Rơ Ma Bơn ở làng Chan thuộc xã Ia PNol (huyện biên giới Đức Cơ) là người đầu tiên của làng Chan dám phá bỏ tục lệ của người J'rai, hiến 5 ha đất giao cho Công ty cao su 72 (Binh đoàn 15) để trồng cây cao su và tự nguyện vào làm công nhân trong đơn vị. Bà con trong làng học tập và làm theo. Hiện làng có 14 hộ có lao động vào làm công nhân trong công ty.

 

Hay ông Rơ Chăm Yói - Trưởng làng Jruang, xã Ia Ka (huyện Chưpảh), đã vận động bà con trong làng học tập và làm theo báo, đài để nâng cao kiến thức, áp dụng vào sản xuất. Jruang là một trong 4 làng đặc biệt khó khăn của xã có 140 hộ với hơn 600 nhân khẩu đều là dân tộc người J'rai. Nhờ sự động viên của ông Rơ Chăm Yói, người dân làng Jruang đã từng bước biết tận dụng quỹ đất hoang hóa đưa vào sản xuất các loại cây trồng kinh tế như cao su, cà phê, lúa nước 2 vụ... Nhiều hộ trong làng có mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm, gần như hộ nào cũng mua sắm được ti vi để biết thông tin thời sự và giải trí, những hộ khá đều mua được xe máy và cả xe công nông để phục vụ sản xuất.


Còn A Ma Khang - người dân tộc J'rai ở buôn Blai thuộc xã Ia Rmok (huyện Krôngpa), Bí thư Chi bộ buôn Blai, là người có công lớn trong việc vận động dân làng sống "tốt đời, đẹp đạo", không nghe và không làm theo kẻ xấu. Ông được bà con tin yêu và bầu làm Trưởng buôn từ năm 1980 đến nay. Buôn Blai có 130 hộ với gần 800 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc J'rai, trong đó có đến 80% số dân theo đạo Tin lành.

 

Từ khi ông A Ma Khang được dân bầu làm Trưởng buôn, cả trăm ha đất canh tác trước đây còn thuộc dạng "phát - đốt - chọc - tỉa" đã trở thành những vùng lúa nước, bắp lai, sắn cao sản... kết hợp với chăn nuôi. Đời sống của bà con buôn Blai không còn tình trạng đói ăn giáp hạt mỗi năm vài ba tháng như trước đây mà đã vươn lên ấm no và yên bình. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hộ khá tăng nhanh và đã có nhiều hộ có mức thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng mỗi năm từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

 

Văn Thông