12:16 11/12/2014

Phát huy hiệu quả tín dụng nông nghiệp

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành ngân hàng, doanh nghiệp, nhà quản lý, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. Báo Tin Tức trích đăng ý kiến của những “người trong cuộc”...

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành ngân hàng, doanh nghiệp, nhà quản lý, đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL. Báo Tin Tức trích đăng ý kiến của những “người trong cuộc” nêu thực tế và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc DN, hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Rất cần chính sách cụ thể

Cái cần hiện nay là chính sách. Việc đầu tư nông nghiệp phức tạp, khó khăn và rủi ro lớn nhưng chính sách lại bằng như những lĩnh vực khác, điều đó bất hợp lý. Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã trao đổi với Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương để cùng nhau có ý kiến đề xuất Chính phủ xử lý vấn đề này.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Hỗ trợ mạnh mẽ cho cácdoanh nghiệp


Thời gian qua, trong nỗ lực phát triển nông nghiệp đã chú trọng trong việc hỗ trợ hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất và đã đạt được hiệu quả tích cực, sản lượng các loại nông sản tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất trong nông nghiệp là do các DN cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ. Vì thế thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân thì phải tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các DN và khuyến khích DN liên kết với nông dân để hình thành những chuỗi sản xuất có hiệu quả hơn và phân phối lợi ích cân bằng hơn.


Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp: Tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức nông dân và nông dân


Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, nâng hạn mức cho vay tín chấp đối với mục đích vay sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, cụ thể hộ gia đình được vay đến 500 triệu đồng/hộ, hợp tác xã, trang trại được vay đến 4 tỷ đồng/đơn vị. Đồng thời NHNN có văn bản hướng dẫn các NHTM cho vay luân chuyển từ khâu nuôi thủy sản đến thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá tra; bổ sung quy định về nhận tài sản thế chấp hình thành trong tương lai đối với sản lượng cá trong ao nuôi nhằm hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay phục vụ sản xuất.


Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty TNHH Trung An: Doanh nghiệp chưa “mặn mà” do thiếu chính sách ưu đãi vốn


Mô hình liên kết, mô hình cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là mô hình tốt, có chủ trương đúng. Nhưng hiện tại mô hình này chỉ có những DN, nông dân có nhu cầu thì thực hiện. Còn đa số các DN có liên quan đến lúa gạo đều không muốn thực hiện. Do cơ chế ưu đãi hiện tại cho DN vay vốn phát triển mô hình liên kết còn quá mỏng và ít so với chi phí mà DN bỏ ra để đầu tư cho nông dân. Để thu hút được DN tham gia thì cơ chế chính sách về tín dụng của ngân hàng cho DN vay vốn phải được áp dụng rộng mở ở tất cả các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL, không giới hạn địa lý hành chính. NHNN cần có thêm chính sách về lãi suất vay vốn để đầu tu phát triển nông nghiệp (thấp hơn lãi suất hiện hành ít nhất 20%).


Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc NHNN chi nhánh Bạc Liêu: Kiến nghị sửa đổi một số nội dung trong Nghị định 41


Hiện nay cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn chỉ giới hạn trong phạm vi “địa bàn hành chính cấp xã”. Tuy nhiên trên địa bàn thị xã, thị trấn, các phường còn rất nhiều DN, hợp tác xã, hộ dân sản xuất, chế biến nông, lâm, hải sản, cung ứng vật tư cho nông nghiệp không tiếp cận được vốn. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn khá rườm rà và vẫn tồn tại một bộ phận các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu nông dân thế chấp tài sản, hoặc giữ tài sản đảm bảo, đặc biệt với ngành nghề rủi ro như nuôi tôm. Bên cạnh đó, phần lớn các hộ nông dân hạn chế về khả năng lập dự án sản xuất kinh doanh, việc chứng minh mục đích sử dụng tiền vay. Chính vì vậy, nông dân gặp khó việc tiếp cận vốn tín dụng do phần đông là sở hữu diện tích đất nhỏ, giá trị khu đất thấp, chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất... Các hộ dân phải tìm đến chơi hụi, vay lãi cao, mua chịu nguyên vật liệu...

Do vậy, hiệu quả thực sự của chính sách tín dụng ưu đãi phụ thuộc vào tính minh bạch, sự công tâm, khách quan của cán bộ cho vay trong việc xem xét hồ sơ xin vay vốn của DN, hộ nông dân...

NHNN phải có giải pháp để các ngân hàng thương mại (NHTM) đơn giản hóa thủ tục trong khâu xét duyệt cho vay, đảm bảo an toàn hoạt động, đúng theo quy định của pháp luật để DN, hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng, kịp thời. Trước mắt cần phải rà soát các quy định, điều kiện cho vay hỗ trợ nông dân không còn hợp lý, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung điều kiện cho vay, đối tượng chính sách phù hợp điều kiện thực tế. Cụ thể là bổ sung, sửa đổi một số điều ở Nghị định 41 về địa bàn, hạn điền, cánh đồng lớn, mô hình kinh tế hợp tác... Đồng thời các TCTD phải đa dạng hóa sản phẩm tín dụng nông nghiệp gắn với chu kỳ cây trồng, vật nuôi. Như vậy trường hợp vay trồng trọt hoặc nông nghiệp thì thường lấy quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp. Trường hợp vay phục vụ các hoạt động nông nghiệp khác thì có thể thế chấp bằng hàng hóa.


Bà Mai Thị Hằng, NHNN chi nhánh Trà Vinh: Gỡ nút thắt cho các ngân hàng

Cho vay tín chấp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thì Nghị định 41 là đột phá nhưng cần gỡ các “nút thắt” để các NHTM không ngại rủi ro, hướng tới cho vay tín chấp với giá trị cao hơn. Như vậy cần có cơ chế bảo lãnh trong nông nghiệp nông thôn và phát triển bảo hiểm trong nông nghiệp.



Anh Đức (Thực hiện)