08:04 11/08/2011

Phát huy giá trị văn hóa di tích được tôn tạo

Đền Voi Phục Thủ Lệ (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) nằm trong hệ tứ Trấn, trấn “giữ” phía Tây kinh thành Thăng Long xưa... và cũng là một trong Thập tam trại có từ thời Lý. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đền Voi Phục được UBND Thành phố Hà Nội đầu tư trên 18 tỷ đồng chỉnh trang lại toàn bộ khu di tích.

Đền Voi Phục sau khi được tôn tạo.

Đợt tôn tạo, tu bổ có quy mô lớn của đền Voi Phục được khởi công từ tháng 7/2009, gồm 13 hạng mục công trình hạ tầng, mở rộng diện tích... Đáng chú ý nhất là việc phục dựng lại Điện thờ mẫu Hạo Nương cùng Tam tòa thánh mẫu ngay phía sau đền thờ Linh Lang Đại Vương.

Trở về với câu chuyện về thần Linh Lang. Sách xưa chép, ở làng Đông Đoàn, xã Bồng Lai (phủ Quốc Oai, xứ Sơn Tây) có gia đình họ Nguyễn hiền lành chất phác, nhưng muộn con. Một buổi, người vợ mơ thấy rắn mây đuổi theo mặt trăng, sau đó có mang, sinh được một gái. Cha mẹ đặt tên là Hạo, cha mất sớm, mẹ phải ôm con về sống với bà dì ở Thị Trại thành Thăng Long (Thủ Lệ ngày nay). Lớn lên, nàng Hạo vô cùng xinh đẹp, đoan trang nết na. Một hôm, vua Lý Thánh Tông ngự giá qua đây, gặp nàng Hạo, đã cảm mến cho đón nàng vào cung. Được vài năm, mẹ mất, nàng Hạo xin vua về làm lễ mai táng và ở lại chăm sóc phần mộ. Đoạn tang, nàng về cung cũ và có thai tới mười bốn tháng.

Hôm ấy, ngày 13 tháng Chạp, Giáp Thìn (1064), nàng Hạo sinh được một nam tử, thể mạo khôi kỳ, được đặt tên là Hoàng Lang, là hoàng tử thứ tư của Vua Lý Thánh Tông. Suốt tuổi thơ, hoàng tử sống ở cung cùng mẹ ở phường Thị Trại. Thuở ấy, giặc Tống liên kết với quân Chiêm Thành kéo quân chiếm đánh Đại Việt. Hoàng tử cưỡi voi lớn và nghĩa binh Thị Trại đánh thẳng vào nơi giặc đồn trú. Trận ấy, hoàng tử và ba quân ca khúc khải hoàn. Nhà vua rất đỗi vui mừng, cho mở yến tiệc khao quân. Sau khi thắng trận, hoàng tử trở về trại Thủ Lệ được ít ngày thì hóa ở đây. Nhà vua tiếc thương, bèn sắc phong hoàng tử là “Thưởng đẳng phúc Thần”- Linh Lang Đại vương, cho lập đền thờ ngay tại Thị Trại, đổi tên Thị Trại thành làng Thủ Lệ, lại xuống chiếu cho người dân làng được hưởng “Hộ nhi sở tại”, tức là được miễn phu phen, tạp dịch muôn đời để chuyên tâm thờ phụng Linh Lang Đại vương. Các triều đại từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn sau này đều phong ngài làm “Thượng Đẳng Thần”; đến nay, được dân chúng suy tôn là “Đức Thánh Linh Lang”.

Theo thần phả còn lưu giữ tại đền Voi Phục, được Viện Hán Nôm dịch, ở Thị Trại từng có cung Vịnh Hoa do vua Lý Thánh Tông xây cho nàng Hạo Nương. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cung này đã không còn. Tại cổng đền Voi Phục trước kia có điện thờ Tam tòa thánh mẫu. Vào năm 1962, khi mở đường và xây dựng Vườn thú Hà Nội, điện thờ này đã dịch chuyển vào miếu Hai cô, thờ mẫu Thượng Ngàn và mẫu Thoải, ở cung nhỏ phía bên dưới trước đền.

Chính vì vậy, khi tiến hành tu bổ, tôn tạo lại tổng thể đền Voi Phục - Thủ Lệ, nhân dân trong vùng và Ban quản lý di tích đền Voi Phục đã đề nghị phục dựng lại một ngôi điện để tôn thờ mẫu Hạo nương, thân mẫu của Linh Lang đại vương theo thế “Tiền thờ Thánh, hậu thờ Mẫu”.

Ông Đào Trùy, Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục cho biết: “Để chọn vị trí đền thờ Mẫu như hiện nay, chúng tôi đã mời nhiều nhà nghiên cứu, thu thập tài liệu mới có quyết định xây dựng trên một vị trí đắc địa này”. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền cho biết: “Do nhiều nguyên nhân, một số vị trí thờ mẫu cũ chưa hợp lý, nên việc tu bổ, tôn tạo Điện thờ mẫu vị trí hiện nay hội tụ đầy đủ yếu tố cảnh quan, tâm linh, phong thủy”.

Trong thờ đạo Mẫu ở Việt Nam, mẫu chủ điện được tôn vinh thờ thường gắn với một nhân vật lịch sử, người có công lớn trong một vùng. Mẫu Hạo Nương là người đã có công sinh thành Đức Linh Lang đại vương, người có công đánh giặc được dân trong vùng thờ phụng. Bà mẹ sinh ra bậc Anh hùng - Thánh nhân lịch sử, xứng tầm được tôn vinh nghi lễ Thánh mẫu. Đây chính là nét đặc trưng trong nghi thức thờ cúng của đạo mẫu: Tam tòa - tứ phủ của người Việt Nam.

Điện Mẫu Hạo Nương khai điện vào ngày 29 tháng 3 năm Tân Mão (1/5/2011) vừa qua theo đúng nghi thức thờ cúng: Thờ mẫu Hạo Nương chính điện và tam tòa thánh mẫu trong hậu cung (mẫu Thiên, mẫu Thoải, mẫu Thượng Ngàn) tại vị trí trang trọng, đắc địa, thể hiện sự tôn vinh các giá trị đạo đức của đạo mẫu từ ngàn đời nay...

Ông Đào Trùy, Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục cho biết, sau khi được tôn tạo, tu bổ, công trình đã phát huy được các giá trị văn hóa tín ngưỡng, trở thành điểm du lịch của cư dân trong vùng. Không gian của đền được bảo trợ của tín ngưỡng dân gian tồn tại trường tồn với thời gian và con đường dẫn vào nơi thờ tự có chiều sâu như dẫn khách hành hương hoà nhập vào cõi tâm linh...

Ngày Rằm tháng Bảy- lễ Vu Lan sắp tới, đây sẽ là cơ hội cho những người dân Hà Nội, cùng những du khách có thể đến Đền Voi Phục để chiêm ngưỡng một công trình văn hóa lịch sử có giá trị lớn. Nhân dịp này, BQL di tích cũng sẽ tổ chức một lễ tạ ơn ông bà, cha mẹ tại Điện Mẫu.

Bài và ảnh: Hà Linh - Xuân Minh