11:23 07/11/2012

Phát huy giá trị của nghệ thuật hát bài chòi

Huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát bài chòi của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Hiện hát bài chòi vẫn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống của người dân nơi đây.

Huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát bài chòi của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Hiện hát bài chòi vẫn đang được bảo tồn và phát huy trong đời sống của người dân nơi đây.


 

Hát bài chòi đang được bảo tồn và phát huy tại huyện Hòa Vang.

 

Bài chòi là một loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở khu vực miền Trung Trung bộ. Bài chòi bắt nguồn từ sân chơi diễn xướng dân gian hô hát bài chòi. Ở huyện Hòa Vang hiện có hai câu lạc bộ bài chòi là CLB bài chòi Hòa Liên và CLB bài chòi sông Yên, trong đó hoạt động sôi nổi và hiệu quả nhất là CLB bài chòi sông Yên.

 

Ông Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB bài chòi sông Yên cho biết: Để thực hiện một chương trình diễn xướng dân gian hô hát bài chòi cần phải có một bộ thẻ cờ gồm 10 thẻ, 30 quân cờ và mỗi một thẻ tương ứng với 3 quân cờ, chia đều số thẻ cho 10 người chơi. Điều này có thể dao động phụ thuộc vào số người chơi. Cuộc chơi bắt đầu khi hai diễn viên chính (còn gọi là người Hiệu, gồm một nam và một nữ) cất lên tiếng hát từ một bài thơ lục bát theo làn điệu Xuân Nữ. Sau những câu hát mở đầu, người Hiệu đưa tay rút một quân cờ trong ống tre và hát làn điệu dân ca sao cho kết thúc với những từ liên quan tới tên quân cờ đó, sau đó xướng tên quân cờ đó rõ to cho tất cả mọi người đều nghe.

 

Trong số những người chơi, ai có tên quân cờ trên thẻ trùng với tên quân cờ người Hiệu vừa xướng thì hô to báo hiệu, lập tức một người chạy cờ sẽ chạy đến trao cho người đó một lá cờ đuôi nheo nhỏ màu vàng. Ván chơi kết thúc khi một trong những người chơi có đủ 3 lá cờ. Người chiến thắng sẽ nhận được một món quà từ ban tổ chức.


Theo ông Quế, người Hiệu có ý nghĩa quyết định thành công của một chương trình diễn xướng dân gian hô hát bài chòi. Người Hiệu phải là người có giọng hát hay, có năng khiếu ứng khẩu, pha trò hài hước, phải thuộc rất nhiều các câu thơ lục bát liên quan đến tên của các quân bài để có thể lôi cuốn người xem. Các câu hát có chủ đề rất đa dạng về cuộc sống hàng ngày của người nông dân.

 

Ngày xưa, diễn xướng hô hát bài chòi thường diễn ra ở sân đình, chùa và người Hiệu cũng như những người chơi phải ở trong những chiếc chòi nhỏ nhưng hiện nay đã có nhiều cải biến chỉ gồm 3 chòi lớn, trong đó có một chòi chính giành cho người Hiệu, còn lại là của người chơi. Điều đặc biệt, loại hình nghệ thuật này không có sân khấu, người Hiệu và người chơi sẽ đứng trong chòi, còn khán giả xung quanh sẽ ngồi trên chiếu để xem. Chính vì vậy, diễn xướng hô hát bài chòi tạo ra sự gần gũi, dân dã với khán giả. Nhạc cụ của chương trình diễn xướng hô hát bài chòi gồm: đàn cò, kèn, một trống chiến. Từ sân chơi diễn xướng dân gian hô hát bài chòi với chỉ một làn điệu Xuân Nữ duy nhất, các nghệ sĩ dân gian đã phát triển lên thành dân ca bài chòi Khu 5 với nhiều làn điệu phong phú như hát lý, các điệu hò, điệu lía...


Từ năm 2009, huyện Hòa Vang đã mời những nghệ nhân trực tiếp về các trường tiểu học và trung học cơ sở để giới thiệu, hướng dẫn và truyền đạt các làn điệu dân ca bài chòi cho các em học sinh và giáo viên. Hiện tại, toàn huyện có 30 trường tiểu học và trung học cơ sở đang triển khai chương trình này. Ngoài ra, một số trường của quận Ngũ Hành Sơn cũng đang bắt đầu đưa vào dạy thí điểm.

 

Cô giáo Huỳnh Thị Phương Thúy, Trường tiểu học Lâm Quang Thự thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi dành 2 tiết học để dạy cho các em học sinh về các làn điệu dân ca bài chòi Khu 5. Qua 4 năm triển khai chương trình này, tôi thấy các em học sinh rất hào hứng với tiết học này và đã có nhiều tài năng trẻ được phát hiện. Trong tháng 3/2012, trường đã đoạt giải nhất toàn đoàn trong Liên hoan CLB em hát dân ca lần thứ nhất do huyện Hòa Vang tổ chức”. Em Trần Quốc Khánh, học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học Lâm Quang Thự chia sẻ: “Em rất thích hát các làn điệu dân ca ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Hiện tại em có thể hát được 2 làn điệu dân ca bài chòi Khu 5 là Vọng Kim Lan và Lý thương nhau”.

 

Bài và ảnh: Đỗ Trưởng