07:17 12/07/2012

Phát hiện về “Hạt của Chúa” là không chính xác?

Trong một tài liệu vừa công bố, ba nhà khoa học Ian Low, Joseph Lykken and Gabe Shaughnessy thuộc trường đại học Cornwell đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các nhà khoa học có thực sự tìm ra “hạt của Chúa” trong máy gia tốc hạt LHC.

Trong một tài liệu vừa công bố, ba nhà khoa học Ian Low, Joseph Lykken and Gabe Shaughnessy thuộc trường đại học Cornwell đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các nhà khoa học có thực sự tìm ra “hạt của Chúa” trong máy gia tốc hạt LHC.

Các nhà khoa học tại CERN đã cho va đập các proton với vận tốc lớn trong máy LHC để tìm dấu hiệu của hạt Higgs.

Hôm 4/7, giới khoa học toàn thế giới đã xôn xao với việc các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) chính thức tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của hạt Higgs, hay còn gọi là “hạt của Chúa” – mảnh ghép còn thiếu cuối cùng của Mô hình Chuẩn về vũ trụ - mà giới khoa học đã tìm kiếm suốt gần 5 thập kỷ.

 

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, các nhà khoa học của Đại học Cornell đã công khai bày tỏ rằng họ không dám chắc đấy có chính xác là hạt Higgs hay không.

 

“Tín hiệu cộng hưởng mới mà các thí nghiệm của ATLAS và CMS phát hiện thấy bên trong Máy gia tốc hạt lớn (LHC) có thể là hạt Higgs được miêu tả trong Mô hình Chuẩn (Standard Model)”, tài liệu của Ian Low và hai cộng sự viết. 

 

Tuy nhiên, ba nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, còn xa mới có thể khẳng định chắc chắn hạt đó là “hạt Higgs mô hình chuẩn” mà giới khoa học đã tìm kiếm hàng chục năm qua để lấp đầy “chỗ trống” của mô hình vật lý mà thế giới đang sử dụng để lý giải về vũ trụ. “Một hạt Higgs giả cặp đôi hoặc cặp ba vẫn có thể khớp với tín hiệu cộng hưởng vô hướng mà LHC mới quan sát được”.

 

Họ khuyến cáo rằng giới vật lý nên thận trọng khi tiếp cận phát hiện này, và “sự không chắc chắn là quá lớn để có thể đưa ra một tuyên bố mang tính khẳng định trong trường hợp này”.

 

Hiện nay, các nhà khoa học tại CERN cũng đang phân tích dữ liệu có được kỹ càng hơn để kiểm tra xem phát hiện của họ có phù hợp với hạt Higgs “Mô hình chuẩn” hay không, hay lại thuộc về một thứ gì đó còn bí hiểm hơn. Một trong những nguyên nhân khiến CERN thận trọng là vì loại hạt mới tuy có cách hành xử rất giống hạt Higgs boson nhưng lại nhẹ hơn so với dự kiến.

 

Điều này mở ra khả năng tồn tại nhiều hơn một loại hạt Higgs boson, và nếu như vậy thì có thể dẫn đến một cách hiểu mới về vật chất tối (dark matter) - loại vật chất bí hiểm được cho là thành phần cấu tạo lên một phần tư vũ trụ.

 

Hạt Higgs được cho là làm cho các loại hạt khác có khối lượng. Nếu không có khối lượng, chúng sẽ trôi dạt trong vũ trụ, không thể gắn kết với nhau để tạo thành các nguyên tử, cấu tạo nên các ngôi sao, hành tinh và cả con người.

 

 

T.H(Theo Dailymail)