01:06 27/01/2015

Phát hiện thú vị về gốm Chu Đậu - Bài 1

Nhiều năm qua, những nghiên cứu về di tích lò gốm và sản phẩm gốm Chu Đậu đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra…

NHỮNG PHÁT HIỆN QUAN TRỌNG TẠI DI CHỈ GỐM CHU ĐẬU

Trung tâm nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng Hải Dương đã tổ chức khai quật tại Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) và phát hiện được dấu tích của một lò gốm cổ cùng nhiều hiện vật có giá trị, giúp các nhà khoa học nhận diện và làm rõ hơn vai trò, giá trị của gốm Chu Đậu trong đời sống Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ.


PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành bên hố khai quật tại Chu Đậu.


Báo cáo về kết quả khai quật di chỉ gốm Chu Đậu, PGS.TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành cho biết, trong đợt khai quật này, đoàn khảo cổ đã đã đào 2 hố khai quật với tổng diện tích là 100m2. Kết quả, tại một hố khai quật, đoàn khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều mảnh bao nung vỡ nhỏ, chồng dính, đồ gốm men và con kê, xỉ than, gạch vụn và chồng dính các loại… Theo các nhà khảo cổ học, những đồ gốm men tìm thấy ở tầng văn hóa này khá phong phú, đa dạng, bao gồm các dòng gốm khác nhau. Gốm men ngọc có bát, đĩa, âu, nắp, tước, lư hương…; gốm men trắng có bát, đĩa, tước, âu, lọ… Bên cạnh đó còn có các loại bát, đĩa, âu, chén thuộc dòng gốm men trắng vẽ lam và men trắng vẽ chỉ lam. “Trong số các hiện vật này, có những loại hình giống như đồ gốm tìm thấy ở khu di tích Hoàng Thành Thăng Long”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.

Ở một hố khai quật khác, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích phần đáy lò của một lò gốm. Nghiên cứu lớp đất cháy ở phần cửa lò cho thấy, lò thuộc dạng lò bầu, được sử dụng trong thời gian khá lâu, được tu sửa nhiều lần và có nhiệt độ nung rất cao. Tại đây, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều bao nung, trong đó có cả những bao nung còn dính lại con kê hình vành khăn giữa lòng, là loại bao nung chuyên dụng để nung sản phẩm đơn chiếc, là loại đĩa men ngọc có đường kính khoảng 13-16cm. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy rất nhiều chồng dính của loại đĩa này và suy đoán đây chính là sản phẩm của lò gốm này. Từ những kết quả khai quật, các nhà khoa học đã nhận định, đây có thể là một không gian sản xuất gốm, hay chính là di chỉ xưởng sản xuất gốm của một thợ gốm hay một gia đình thợ gốm, gồm có lò nung và khu vực xưởng sản xuất gốm.

Đặc biệt, trong đợt khai quật tại Chu Đậu lần này, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hai sản phẩm gốm được xác định là của lò quan Thăng Long. “Đây là phát hiện cực kỳ có giá trị, minh chứng rằng, thợ gốm ở đây đã có mối quan hệ nào đó với thợ gốm ở Thăng Long hoặc đây là những quà tặng từ kinh thành Thăng Long”. PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định. 

Cũng trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại đĩa nhỏ cao cấp, bên ngoài vẽ hoa sen dây, bên trong lòng đĩa vẽ phong cảnh, chim, cá… Đây là những sản phẩm rất đặc trưng và phổ biến của di chỉ gốm ngói, được sản xuất nhiều từ đầu thế kỷ 16. Điều này cho thấy những sản phẩm gốm từ đợt khai quật này có mối quan hệ rõ ràng về phong cách và nghệ thuật trang trí từ di chỉ lò gốm ngói. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng bước đầu phát hiện mối quan hệ và sự ảnh hưởng về phong cách giữa gốm Chu Đậu và gốm hoa lam lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). “Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá sâu hơn sau khi hoàn thành công tác chỉnh lý”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.

Đợt khai quật này, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều sản phẩm gốm men ngọc giống hệt với những đồ gốm khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, điển hình là loại đĩa khắc hoa cúc, lòng khắc khóm cỏ hay bông hoa sen… Từ kết quả nghiên cứu, so sánh ban đầu, các nhà khoa học khẳng định, nhiều sản phẩm của lò gốm này chắc chắn đã từng được sử dụng trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ.

Các nhà khoa học cho biết, đây là lần thứ 2 phát hiện được dấu tích lò nung gốm tại Chu Đậu, là lò nung loại bầu, có hệ bầu đốt 2 năm. Đây là lò gốm chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt với 3 dòng gốm chính là gốm men ngọc, gốm hoa lam và gốm men trắng. Trong đó, gốm men ngọc dường như là sản phẩm chủ đạo, được chế tạo với trình độ công nghệ rất cao, không thua kém sản phẩm gốm men ngọc lò Long Tuyền (Chiết Giang, Trung Quốc) đương thời. Ông Bùi Minh Trí nhấn mạnh: “Những sản phẩm gốm men ngọc ở đây chỉ nung đơn chiếc, nghĩa là nung một sản phẩm trong một bao nung. Phát hiện này rất có ý nghĩa, cho ta thấy được công nghệ và trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu, đồng thời phản ánh quy mô đầu tư lớn để cung cấp ra thị trường những sản phẩm gốm có chất lượng cao”.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định đây có thể là khu di chỉ xưởng sản xuất bao gồm lò nung và khu vực sản xuất gốm của một gia đình hay của một thợ gốm. Nhận định này rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu phong cách cá nhân hay phong cách truyền thống gia đình trong việc sản xuất gốm đương thời, bởi theo các nhà khoa học, đến nay chưa có cuộc khai quật nào có quy mô lớn để có thể tìm hiểu được không gina sản xuất của một cơ sở sản xuất tại Chu Đậu.

“Cuộc khai quật năm 2014 đã thu được nhiều tư liệu mới, góp phần làm sáng rõ hơn về quy mô và lịch sử hình thành phát triển của gốm Chu Đậu, đồng thời cung cấp nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu so sánh với lò gốm quan Thăng Long và những loại hình sản phẩm gốm Chu Đậu được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long vào thời Lê Sơ thế kỷ 15-16”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.


Bài, ảnh: Phương Lan