05:15 21/05/2015

Phát hiện công cụ đá đầu tiên cách đây 3,3 triệu năm

Đã phát hiện các công cụ bằng đá tại Kenya có niên đại cách đây 3,3 triệu năm.

Một nhóm nhà nghiên cứu về nhân loại học tại Mỹ vừa thông báo đã phát hiện các công cụ bằng đá tại Kenya có niên đại cách đây 3,3 triệu năm. Phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ thêm cuộc sống của tổ tiên loài người.

Công cụ bằng đá cổ nhất mới được phát hiện ở Kenya.


Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Tự nhiên (Nature) ngày 20/5, nhóm nhà khoa học này đã phát hiện được tất cả 149 công cụ bằng đá được mài mòn và chế tác thô sơ thành vật dụng có tính năng đào xới hoặc gõ đập tại Nachukui, một khu vực hẻo lánh trong vùng đất đầy bụi rậm ở phía Tây hồ Turkana, Tây Bắc Kenya.

Dựa trên kết quả phân tích đồng vị hóa học Agon thu được từ những mẫu công cụ bằng đá nằm trên lớp tro bụi núi lửa này, họ đã khám phá ra điều ngạc nhiên là một trong số những công cụ có niên đại cổ hơn 700.000 năm so với những công cụ cổ xưa nhất được tìm thấy cho đến nay, được cho là ở thời kỳ của người Homo, tổ tiên của loài người hiện đại.

Nhà nghiên cứu người Pháp Sonia Harmand, thuộc Đại học Stony Brook ở New York (Mỹ), nhận định những công cụ mà họ phát hiện được nói trên là chứng tích về những kỹ thuật cổ đầu tiên do tổ tiên loài người cách đây 3,3 triệu năm để lại.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu này khẳng định phát hiện trên của họ còn giúp bác bỏ lý thuyết bấy lâu nay cho rằng người Homo là những người đầu tiên biết chế tác công cụ.

Việc chế tác công cụ, như công cụ đánh lửa hay làm nông nghiệp, được xem là một dấu mốc quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người. Nhờ việc ra đời các công cụ này, loài người dần tiến hóa để săn bắt động vật có được nguồn thức ăn giàu protein, từ đó giúp nâng cao quá trình phát triển khả năng tư duy của não bộ và sâu xa là đóng góp ý nghĩa quan trọng vào quá trình tiến hóa thành con người hiện đại ngày nay.


TTXVN/Tin tức