03:23 02/03/2012

Phát hiện có thể làm thay đổi lịch sử châu Mỹ

Người châu Âu thời đồ đá mới là những người đầu tiên đặt chân tới Bắc Mỹ, tức là trước khi người da đỏ tới đây khoảng 10.000 năm. Một bằng chứng khảo cổ học mới đã cho thấy điều này, và phát hiện trên có thể khiến lịch sử châu Mỹ phải được viết lại.

Người châu Âu thời đồ đá mới là những người đầu tiên đặt chân tới Bắc Mỹ, tức là trước khi người da đỏ tới đây khoảng 10.000 năm. Một bằng chứng khảo cổ học mới đã cho thấy điều này, và phát hiện trên có thể khiến lịch sử châu Mỹ phải được viết lại.

Christopher Columbus và đoàn thủy thủ của ông đặt chân tới châu Mỹ năm 1492.


Các nhà khoa học đã phát hiện tại Bắc Mỹ một số lượng lớn công cụ bằng đá có niên đại từ 19.000 - 26.000 năm, mang những đặc điểm giống với những công cụ bằng đá được làm ra tại châu Âu cùng thời kỳ. Toàn bộ các công cụ này đều được tìm thấy dọc vùng duyên hải đông bắc nước Mỹ. Những hiện vật đó có thể tái khẳng định tuyên bố đã bị bác bỏ từ lâu rằng, người châu Âu mới là những người đầu tiên phát hiện ra Tân Thế giới.

Những phát hiện trước đây về các công cụ có liên quan đến người châu Âu chỉ có niên đại khoảng 15.000 năm trước, khiến các nhà khảo cổ và sử học nghi ngờ về giả thuyết cho rằng, người châu Âu thời đồ đá đã di cư tới Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, những hiện vật mới phát hiện có niên đại xa hơn nhiều và lại mang những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với những công cụ được tìm thấy ở châu Âu cùng thời kỳ, đã lật lại giả thuyết trước đây.

Góp thêm sức nặng cho những bằng chứng mới là bản phân tích mới về một con dao bằng đá, được phát hiện tại Mỹ năm 1971, cho thấy nó đã được làm từ một hòn đá lửa của người thời đồ đá tại Pháp.

Trong nghiên cứu nói trên, Giáo sư Dennis Stanford, từ Viện Smithsonian ở Oasinhtơn (Mỹ) và giáo sư Bruce Bradley từ Đại học Exeter tin rằng, người châu Âu cổ đại đã tới Bắc Mỹ bằng cách vượt qua Đại Tây Dương, vốn bị đóng băng trong kỷ Băng hà.

Ở thời kỳ đỉnh điểm của Kỷ Băng hà, băng đã bao phủ gần 5 triệu km2 của vùng bắc Đại Tây Dương, tạo ra một cây cầu vững chắc giữa hai lục địa. Những đàn hải cẩu, chim cánh cụt, chim biển, và cả chim anca nay đã tuyệt chủng, sống ở các rìa băng có thể cung cấp đủ thức ăn cho họ trên hành trình dài tới 2.400 km.
Nghiên cứu trên sẽ được trình bày trong cuốn sách “Across Atlantic Ice” (Ngang qua Băng hà Đại Tây Dương), do Giáo sư Stanford và Bradley biên soạn, dự kiến được xuất bản trong tháng 3 này.

Trước đây từng có giả thuyết cho rằng, người da đỏ có thể bắt nguồn từ dân châu Á, sang Bắc Mỹ bằng dải đất liền trước từng nằm ngang eo biển Bering vào khoảng năm 12.000 trước Công nguyên. Họ sống trong những bộ lạc du mục và sinh sống bằng săn thú. Hiện nay, trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người da đỏ chỉ còn chiếm khoảng 1%. Ngoài ra, cũng từng có nghiên cứu của các nhà khoa học Tây Ban Nha đi đến kết luận rằng, những người châu Âu đầu tiên đặt chân tới Tân Thế giới không phải là đoàn thuyền của Christopher Columbus mà là những người Viking ở Bắc Âu. Họ đã tới châu Mỹ trước Columbus tới 5 thế kỷ.

Thu Hằng