07:05 12/07/2011

Pháp thay đổi quan điểm trong vấn đề Libi

Ngày 10/7, Pháp có vẻ như đã thay đổi lập trường của mình về cuộc nổi dậy tại Libi khi đưa ra đề xuất rằng, vũ lực quân sự không phải là giải pháp và những người trung thành với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi cùng lực lượng nổi dậy nên tiến hành đàm phán trực tiếp.

Ngày 10/7, Pháp có vẻ như đã thay đổi lập trường của mình về cuộc nổi dậy tại Libi khi đưa ra đề xuất rằng, vũ lực quân sự không phải là giải pháp và những người trung thành với nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi cùng lực lượng nổi dậy nên tiến hành đàm phán trực tiếp.

Lính quân nổi dậy trong cuộc đọ súng với binh sĩ trung thành với ông Kadhafi ở Al Dafneya giáp giới với thành phố Zletin, Misurata (Libi) ngày 10/7. Ảnh:THX/TTXVN


Tuy nhiên, Pari cũng khẳng định mục đích cuối cùng của mình vẫn là nhà lãnh đạo Kadhafi phải từ bỏ quyền lực - điều gần như chắc chắn bị ông Kadhafi bác bỏ. Về phần mình, lãnh đạo phe đối lập vẫn khăng khăng giữ quan điểm rằng ông Kadhafi phải từ bỏ quyền lực thì họ mới tính tới việc đàm phán.

Theo Reuters, Pháp đã đi đầu trong chiến dịch không kích do NATO lãnh đạo tại Libi. Pháp cũng là quốc gia đầu tiên tiến hành các cuộc không kích nhằm vào quân đội Libi hồi tháng 3 vừa qua.

Nhưng sau hơn 3 tháng ném bom, các nhà lãnh đạo trên thế giới đang rất bối rối không biết làm cách nào để chấm dứt cuộc chiến này trong bối cảnh lực lượng nổi dậy nắm giữ phần lớn vùng đất phía đông Libi và đang nới lỏng vòng vây thành phố Misrata nhưng lại không thể đưa ra đòn tấn công quyết định tiến vào thủ đô Tripôli mặc dù NATO đã tiến hành nhiều vụ không kích vào lực lượng của chính phủ. Ông Kadhafi một mực chống lại lời kêu gọi từ bỏ quyền lực dù ông đang phải đối mặt với các cuộc tấn công của phe nổi dậy nhằm chấm dứt 41 năm cầm quyền của ông.

Phe nổi dậy lặp đi lặp lại yêu cầu nhà lãnh đạo Libi Kadhafi phải từ bỏ quyền lực trước khi tính tới khả năng tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm tìm kiếm một sự chuyển giao về mặt chính trị. Đây cũng là điều mà lực lượng ủng hộ ông Kadhafi liên tục bác bỏ.

Thời gian thực hiện sứ mệnh ở Libi càng kéo dài, tâm trạng thất vọng tại Pari càng gia tăng và chính phủ Pháp sẽ bị chất vấn trong ngày 12/7 trước khi quốc hội Pháp tiến hành bỏ phiếu về việc có mở rộng chiến dịch tại Libi hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet nói: "Chúng tôi (tức NATO) sẽ chấm dứt việc ném bom ngay khi những người Libi tiến hành đàm phán với nhau và lực lượng quân sự của cả hai phía trở về doanh trại. Hiện nay, họ hoàn toàn có thể đối thoại với nhau bởi chúng tôi đang giúp họ thấy rằng vũ lực không phải là giải pháp".

Trên thực tế, những cuộc thảo luận giữa hai bên đang diễn ra một cách bí mật nhiều tuần nay nhưng tương lai của ông Kadhafi vẫn là vấn đề chính gây trở ngại. Một nguồn tin ngoại giao cho biết không có dấu hiệu gì thể hiện ông Kadhafi sẵn sàng nhượng bộ. Ngày 28/6, vấn đề này càng trở nên phức tạp hơn khi Tòa án hình sự quốc tế ra lệnh bắt giữ Kadhafi cùng với một người con trai của ông và người đứng đầu lực lượng tình báo.

Mới đây, Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp của Libi (TNC) tuyên bố họ không thể đàm phán với một Kadhafi đang bị quốc tế truy nã. Nhưng ông Longuet dường như để ngỏ khả năng Kadhafi được ở lại Libi. Khi được hỏi liệu có thể tiến hành đàm phán không nếu Kadhafi không chịu từ bỏ quyền lực, ông này nói: "Ông ta sẽ ở trong một căn phòng khác trong dinh thự của mình với một chức danh khác".

Phát biểu trên đài Info của Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe khẳng định rằng chẳng thể có cuộc đàm phán nào thực sự diễn ra nếu không có một lệnh ngừng bắn đáng tin cậy đặt dưới sự giám sát của LHQ.

TTK