Xử lý xe dù, “bến cóc”

Do nhu cầu đi lại tăng đột biến trong dịp cuối năm, nên tình trạng xe dù, bến cóc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại được dịp gia tăng. Nếu không vào trong các bến xe mua vé, nhiều người dân sẽ bị xe dù bắt chẹt với việc “hét” giá vé cao hơn so với quy định.


Bến “cóc” tràn lan


Chỉ hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trên các tuyến đường Võ Thành Trang, Hồng Lạc, Đồng Đen… (khu Bàu Cát, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) xuất hiện hàng loạt điểm bán vé xe Tết của các nhà xe A.T, S.T, X.T… đi các tỉnh miền Trung.

Bến “cóc” bán vé xe Tết công khai.


Trên đường Hồng Lạc (phường 10, quận Tân Bình), nhà xe S.T mở điểm bán vé với tấm bảng đỏ rực in dòng chữ “Bán vé xe Tết”. Góc đường Đồng Đen - Hồng Lạc, nhà xe X.T cũng căng một tấm băng rôn lớn quảng cáo chương trình bán vé nhân dịp Tết Giáp Ngọ “Mua vé nhiều, trúng thưởng lớn”. Trên website của nhà xe này giới thiệu các chương trình còn khuyến mãi như: Mua vé xe trúng xe Altila, trúng thưởng tivi LCD…


Khi thấy chúng tôi tìm hiểu về chất lượng xe và dịch vụ chăm sóc hành khách, các nhân viên bán vé đều khẳng định: “Anh yên tâm, xe của tụi em chỉ chở khách Tây đi du lịch nên rất lịch sự. Xe chạy đến cuối tuyến mới dừng lại, không có chuyện bắt khách dọc đường. Xe xuất bến đúng giờ, nên anh phải đến trước 30 phút…”. Tương tự, tại khu vực đường Lê Hồng Phong, Trần Phú (quận 10), Phạm Ngũ Lão (quận 1)… nhiều hãng xe đi miền Trung cũng hoạt động rầm rộ. Bất cứ thời gian nào trong ngày, đều có xe đưa đón trả khách. Những “bến cóc” này ngang nhiên hoạt động công khai từ nhiều năm qua với hình thức trá hình xe du lịch “open tour” và gia tăng dịp giáp Tết. Thậm chí nhiều nhà xe còn thuê đất để làm chỗ đỗ xe, biến tướng thành các “bến cóc” vừa bán vé, vừa đón trả khách.


Tại Hà Nội, tình trạng "bến cóc" cũng diễn biến phức tạp tại “bến cóc” trên đường Yên Phụ, đối diện với bến xe buýt Long Biên, hàng ngày nườm nượp xe khách 16 chỗ, treo biển đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn… dừng đỗ hàng dài để bắt, trả khách. Cứ 10 phút lại có một chuyến xe xuất phát.


Khu vực bên ngoài các bến xe của Hà Nội cũng đều có “bến cóc” hoạt động tự phát, như: Điểm đón trả khách tại số 284 đường Giải Phóng (chủ yếu đón khách đi Lào Cai), bến xe Mỹ Đình, cuối đường Hoàng Quốc Việt có các điểm đón khách đi các tỉnh Đông Bắc... “Xe dù” loại 16 - 30 chỗ tại các “bến cóc” này đươc nép dưới mác xe “chất lượng cao”, “xe hợp đồng” nhằm đánh lừa hành khách có nhu cầu đi các tuyến từ Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Tình trạng “xe dù” vòng vo đón khách trái phép trước cổng các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Hà Đông, Mỹ Đình… cũng “nở rộ”. Nhộn nhịp nhất là trên QL 1A, tại nút giao đường Giải Phóng - Cầu Giẽ - Pháp Vân; đường Phạm Văn Đồng trước cổng bến xe Mỹ Đình; đường Nguyễn Văn Cừ trước cổng bến xe Gia Lâm… Tại các điểm này “xe dù” thường dừng, đỗ trái phép tại các “bến cóc” ngay ven đường.

Xe khách dừng lấy khách trên tuyến đường chính ở thành phố Vinh.


Riêng tại bến xe Giáp Bát, quan sát trong khoảng một giờ đồng hồ, mỗi chuyến xe xuất phát từ Hà Nội đi các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Nghệ An… tại bến thì bên ngoài bến lại có từ 2 - 3 xe chạy cùng giờ, lòng vòng với tốc độ “rùa bò” để bắt khách, mà chẳng xe nào chịu nhường xe nào. Như vậy, mỗi giờ phải có đến hàng chục “xe dù” hoạt động. Hễ thấy có người đứng trên vỉa hè mang theo hành lý là các xe đột ngột phanh gấp, phụ xe nhảy xuống đường chèo kéo khách, bất chấp các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Nhiều xe còn ngang nhiên đỗ dưới lòng đường đối diện cổng các bến xe để chờ khách, gây ùn tắc giao thông.


Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đầu mối giao thông lớn nhất cả nước, thường xuyên có lượng lớn xe khách hoạt động. Nhu cầu đi lại cuối năm tăng lên là do hai thành phố có dân tỉnh lẻ có nhu cầu về quê dịp cuối năm. Bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, khi nhu cầu đi lại tăng cao, tình trạng “xe dù” càng trở nên công khai. Mặc dù được các lực lượng liên ngành thường xuyên “chú ý”, nhưng “xe dù”, “bến cóc” vẫn ngang nhiên hoạt động.


Giá vé trên trời


Nhiều nhà xe để tranh thủ dịp cuối năm đã hét giá tại các nhà xe A.T, V.N, S.T... khi được hỏi giá vé đi các tỉnh miền Trung, nhân viên bán vé đều cho “hét” giá cao “ngất ngưởng”. Chẳng hạn, vé xe giường nằm đến Huế đi ngày 28/12 (âm lịch) có giá 1,2 triệu đồng; vé xe ghế ngồi về Quảng Ngãi đi ngày 27, 28/12 (âm lịch) có giá 750.000 đồng. Trong khi, giá vé niêm yết trong các bến xe chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng. Như vậy, giá vé của các nhà xe này đã tăng cao hơn 100%, trong khi theo quy định, các nhà xe hoạt động trong bến xe chỉ được phép phụ thu giá vé tối đa hơn 60% từ ngày 24/1/2014 trở đi. Không những vậy, một nhân viên bán vé còn cho biết: “Nếu mua vé thời điểm này thì giá còn thấp, càng sát Tết, giá sẽ càng cao, vì khan hiếm!”.


Nhiều người dân cho biết, vé xe dù giá cao hơn nhưng vẫn phải mua vì việc mua vé trong bến do các doanh nghiệp vận tải không dễ dàng do trong bến xe không bán vé đồng loạt nên người dân phải “tranh nhau” từng tấm vé. Nhiều người không mua được vé tại bến xe, nhưng do tâm lý nôn nóng sợ không mua được, nên đã phải mua vé giá cao tại các “bến cóc”. Điều này vô tình khiến cho “xe dù, bến cóc” có đất sống.


Còn tại các “bến cóc” của Hà Nội, các “xe dù” còn đón khách tận nhà nếu ai có nhu cầu hoặc hành khách có thể liên hệ theo số điện thoại di động niêm yết tại các điểm đỗ tạm ở “bến cóc”. Tuy nhiên, các nhà xe lại không công bố giá vé cụ thể, rõ ràng. Khi khách đã lên xe, tùy theo từng tuyến đường, lái, phụ xe sẽ thông báo giá vé. Nhiều hành khách phản ánh, giá vé một số tuyến cao hơn so với quy định trong bến xe, nhưng hành khách chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”. “Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán thường tăng lên đột biến, nên nhiều người dân vẫn còn có tâm lý ngại vào bến xe mua vé, phần vì thói quen tiện đâu bắt xe đó, nên nhiều xe dù đã lợi dụng những dịp này để hoạt động”, một nhân viên quản lý bến xe cho biết.


Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có hơn 100 doanh nghiệp vận tải hành khách hoạt động trái phép. Hành khách chỉ cần liên hệ với văn phòng giao dịch của doanh nghiệp nói tên, số điện thoại để đặt chỗ. Do vậy, lực lượng thanh tra Sở GTVT gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và xử phạt các doanh nghiệp này. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra hoạt động vận tải trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2014. Theo đó, lực lượng liên ngành sẽ tăng cường lập chốt chặn, tuần tra truy quét các điểm đón trả khách không đúng với quy định và kiên quyết xử lý vi phạm từ nay hết tháng 2/2014.


Phòng CSGT Hà Nội cũng đang tập trung thực hiện đợt cao điểm về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông từ ngày 1/12/2013 đến hết tháng 2/2014, trong đó chú trọng chuyên đề xử lý xe dù, bến cóc. Công an các quận, huyện sẽ huy động tổng lực các lực lượng cảnh sát ứng trực 24/24 giờ trong ngày để tuần tra, xử lý, hạn chế xe dù, bến cóc.

 

Phó Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường: Liên ngành chốt trực 24/24 giờ tại các bến xe Thành phố đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với ngành công an triển khai chuyên đề xử lý nghiêm hoạt động của “xe dù”, “ bến cóc” dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Theo đó, lực lượng liên ngành sẽ chia thành các đội bố trí trực, tuần tra truy quét các điểm dừng, đỗ, đón trả khách không đúng với quy định từ nay cho đến hết ngày 15/2/2014. Cụ thể, trong những ngày cao điểm Tết Dương lịch (30/12/2013 - 1/1/2014) và cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (từ 23 - 30/1/2014), lực lượng liên ngành sẽ chốt trực 24/24 giờ trong ngày tại các bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương, Ngã Tư Ga, kiên quyết xử lý xe dù, bến cóc.

 

Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tiến: Cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng “Xe dù” hiện nay hoạt động rất tinh vi, một số xe không có hợp đồng với bến xe nhưng ngang nhiên treo biển của bến xe để đón khách. Những trường hợp vi phạm kiểu này khó quản lý và xử lý vi phạm. Những trường hợp xe xuất bến vẫn chạy vòng vo, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định không thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý của bến xe. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, thanh tra giao thông mới có thể xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

 

Anh Nguyễn Văn Thanh, lái xe Công ty vận tải Hoàng Long: Quyền lợi của doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng Hầu hết các lái xe, chủ xe chấp hành đúng các quy định của pháp luật về trật tự đô thị và bến xe đều bức xúc về tình trạng “xe dù, bến cóc” và kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý kiên quyết. Hàng ngày, xe khách tại các bến đi tuyến cố định theo tần suất 20 phút/chuyến, nhưng thường xuyên không thu hút đủ khách kín chỗ là do xe dù đã chạy đón khách ngoài bến. Nhiều xe chấp hành vào đón khách ở trong bến phải chịu cảnh mỗi tháng chỉ chạy xe được 18 - 20 ngày, vì không có khách, nhưng vẫn phải nộp phí xuất bến.

 

Tiến Hiếu - Anh Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN