Xe quá tải “băm nát” mặt đường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các tuyến đường dẫn ra các cửa khẩu đều xuống cấp nghiêm trọng và bị “băm nát” bởi những xe tải quá khổ chở hàng xuất khẩu.

Đường vào Bảo Lâm xuống cấp trầm trọng do các xe quá tải cày xới.


Đoạn đường Hữu Nghị - Bảo Lâm, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) dài trên 10,4 km theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, được đầu tư xây dựng từ năm 1997 - 1999. Tuy là cửa khẩu phụ nhưng Bảo Lâm thu hút khá đông xe hàng xuất nhập khẩu. Một người dân ở xã Bảo Lâm cho biết: Ngày nhiều có tới hàng trăm xe chở sắn, cây cảnh, gỗ và các mặt hàng khác qua biên giới; cứ mỗi lần xe tải nặng đi qua, ở trong nhà mà cứ thấy rung lên bần bật.

Mỗi ngày tuyến đường này phải gánh đến hàng trăm xe tải, xe côngtenơ, trung bình mỗi xe có tải trọng từ 50 - 60 tấn. Trước sức nặng của xe tải, hàng hóa và lưu lượng xe đông, con đường đang bị xuống cấp từng giờ. Cả tuyến đường bị các xe tải hạng nặng băm nát, khiến nhiều ổ gà trở thành ao trên mặt đường. Do xe nặng, đường xấu nên các xe phải lặc lè bò từng đoạn, chen chúc và thường xuyên xảy ra ùn tắc. Một lái xe từ Phú Yên cho biết: “Xe của tôi thường xuyên chở thanh long xuất khẩu qua đường này, nhưng cứ ra đến đây là bị tắc, có khi tới 2 đến 3 ngày mới xuất được hàng do xe nhiều, đường xấu”.

Cũng trong tình trạng tương tự, tuyến tỉnh lộ 230 được đầu tư xây dựng từ năm 2001 bằng vốn của tỉnh, nối từ đường 4A đoạn Thâm Mè đến điểm nối Na Hình – Văn Lãng (Lạng Sơn) dài 17 km. Đây là tuyến đường quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng sâu, vùng xa giáp biên giới. Nhưng qua 10 năm đưa vào sử dụng, hiện tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng bởi hàng ngày có rất nhiều xe trọng tải lớn chở bột sắn giao thương qua đường tiểu ngạch đã phá nát mặt đường.

Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù ngay đầu đường rẽ từ thị trấn Na Sầm vào đã có biển báo “Đường hỏng hạn chế xe trọng tải trên 10 tấn”, nhưng những chiếc xe trọng tải lớn, chất đầy những bao bột sắn khô đầy ăm ắp như núi vẫn vô tư đi. Ban ngày đã vậy, những khi đêm xuống, mật độ xe càng nhiều hơn; hậu quả thì người dân sinh sống nơi đây phải gánh chịu. Anh Hà Văn Quí, dân tộc Nùng, nhà cạnh đường cho biết: “Bà con chúng tôi khổ lắm, trời mưa hay trời nắng đều khó đi như nhau, có chỗ thành cái ao cho vịt bơi, người đi xe máy, đi bộ ở đây bị ngã là thường, khổ cái chân của bọn trẻ con đi học, mưa hay nắng vẫn lội bùn đi lấy cái chữ”.

Các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Lạng Sơn cần quyết liệt xử lý việc xe quá khổ, quá tải qua những tuyến đường này. Không nên vì cái lợi trước mắt mà để những tuyến đường phục vụ dân sinh xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Bài và ảnh: Thái Thuần

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN